Vẫn hiểu, đời cây cũng như đời người, hẳn có những thăng trầm, bão tố, song những thứ đã gắn liền với văn hóa đất nghìn năm ấy không khỏi làm những người yêu Hà Nội tiếc nuối, trăn trở và nghĩ suy…
1. Tôi có hẹn với một chủ vườn đào trước ngày cơn bão Yagi quét qua TP mà không thành vì thời điểm ấy, người trồng đào, quất còn mê mải lắng lo cho khu vườn “gia tài” của nhà mình. Một câu hẹn vội vàng của anh mà ẩn chứa hết cả ruột gan của người làm nghề trồng cây, chăm hoa ở Hà Nội: “Vườn đào đi thêm chặng mùa Thu, mùa Đông để về đến đích mùa Xuân năm con Rắn (Ất Tỵ) sắp tới còn nhiều khó khăn lắm! Mưa bão tới nơi rồi, mà còn qua bao đận nữa! Hẹn chị sau bão ghé thăm vườn nhé!”.
Lời hẹn ấy không thành hiện thực, bởi những hình ảnh cây nằm rạp trên đất vườn lướt thướt nước đi kèm với những dòng status đầy nỗi niềm trên Facebook: “Còn gì?”, “Nước mắt người trồng đào”… Chỉ còn lại những lời hỏi thăm, những câu động viên, những lời sẻ chia, dù với nhiều chủ vườn ở Hà Nội, nghề trồng đào, quất không phải là sinh kế, mà là một nghề gia truyền, một thú chơi tao nhã đầy đắm say.
Thế càng hiểu, nỗi lòng của người yêu cây và hoa buốt giá đến độ nào. Thế càng hiểu, canh nông là khó khăn, thậm chí nghiệt ngã, cả năm dốc sức lẫn tiền của, nếu thuận lợi, cây tốt tươi ra hoa trúng Tết thì sợ rẻ, mà hoa khan lại không có để bán; người dân dư dả còn “móc hầu bao” mua, chứ khó khăn thì lại phải tính…
Thế là mùa Xuân năm nay, sẽ khó có những con đường về nhà ngập tràn sắc hồng của hoa, sắc vàng xanh của quất ở những làng Hà Nội đã vang danh bốn phương bấy lâu. Thế là Tết này, Hà Nội sẽ khó có đào phai Phú Thượng, bích đào Nhật Tân, quất Tứ Liên… dù cho các vườn đào đã ghé sang đất các làng ở Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), xã Tự Nhiên, xã Liên Phương (huyện Thường Tín), huyện Đông Anh, Đan Phượng… Nếu có thì chắc chắn sẽ đắt đỏ hơn mấy lần những Tết trước. Đấy là chưa kể thiên tai làm kinh tế khó khăn, người mê đào, quất cũng phải cân nhắc, đắn đo…
2. Tôi lại hẹn một chủ vườn đào khi các làng đào, quất đang kiếm tìm trong đám cây đổ rạp ấy những mầm sống còn đang le lói. Tiếc lắm chứ, vì chẳng như lúa hay các loại hoa màu, dân trồng đào, quất cả năm chỉ chờ một vụ thu hoạch. Mất mát còn nằm cả ở vườn, còn ngổn ngang cả những lo lắng, nghĩ suy, nhưng người trồng hoa, trồng cây vẫn không thôi đau đáu với đào, quất - những thứ mang danh một thú chơi của đất Kinh Kỳ và định hình một nét duyên của đất Hà thành mỗi độ Xuân về.
Hỏi anh chủ vườn đào: “Dẫu thế nào thì cũng phải đi tiếp với nghề chứ?”. Mừng quá, dù cho giọng nói của anh vẫn còn vương những buồn với tiếc: “Kế hoạch đào Tết của tôi năm nay vẫn tiếp tục như mọi năm, còn cây nào bán cây đó và đi mua lại của bà con để duy trì lượng khách quen. Ba hôm nay, tôi đã xuống Vân Tảo (Thường Tín), Phù Trì (Mê Linh) và Hồng Hà (Đan Phượng) để tìm cây, nhưng không thể mua được vì giá quá cao, cao gấp đôi năm ngoái. Bán cho khách quen không thể tăng giá cao như vậy nên đành… về không. Có vườn ưng ý thì họ đã bán từ ngay sau bão, giờ mua lại thì họ không bán, họ cũng để cho khách đặt buôn hàng năm nên không bán được...”.
Đúng là ở thời điểm này, các tỉnh thành bị ngập úng đợt vừa rồi đều phải khởi động một hành trình trồng mới vườn tược. Giá cây giống vì vậy lên cao như mùa nước nổi, cây giống đào, quất cũng thế, mà vẫn không đủ cung cấp cho người nhà vườn. Ông chủ vườn đào tôi quen đã nhẩm tính, nếu trồng lại và tính giá bán đào năm đầu tiên thì may lắm là hòa. Thế nên sẽ có nhiều mảnh vườn trồng đào, quất chơi vơi trong cảnh bỏ không, hoặc là nằm yên trong dự tính “cho đất nghỉ một năm” của những ông chủ vườn sành sỏi, yêu cây.
Lo lắng vẫn ăm ắp, tiếc nuối vẫn ngập tràn các khu vườn vừa qua cơn bão lớn, nhưng cả vùng đào quất Hà thành vẫn không tắt niềm tin vì những ông chủ vườn vẫn yêu đất, yêu cây, yêu hoa mà nghĩ đến con đường tiếp nối phía trước.
3. Chợt nhớ, tại Kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hà Nội mới đây, thảo luận về Nghị quyết Hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ Đông góp phần khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024, đại biểu HĐND quận Tây Hồ đã đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ người dân trồng đào, quất trên địa bàn.
Người ta đã đo đếm ngay sau những ngày bão lũ quét qua TP để thấy, trên địa bàn quận Tây Hồ có 65ha/99ha diện tích cây đào bị mất trắng (chiếm 65,4%); trên 27,5ha/tổng số 30ha quất bị thiệt hại (chiếm hơn 90%). Riêng cây đào thiệt hại khoảng 39 tỷ đồng, cây quất thiệt hại 25 tỷ đồng.
Áp lực mà nhà quản lý vùng đất của đào, quất Hà thành đang gồng gánh trên vai không chỉ là nỗi lo bảo tồn giống cây, hoa vốn được coi là tài sản của Hà Nội; mà còn là việc hỗ trợ người dân sớm nhất có thể để ổn định cuộc sống, vực dậy một vùng đào quất nức tiếng xưa nay. Họ cần cơ chế của TP cho phép sử dụng ngân sách quận để hỗ trợ người dân, nên cũng đã chủ động báo cáo đề xuất hỗ trợ 60 triệu đồng/ha với hoa đào; hỗ trợ 90 triệu đồng/ha quất.
Đây là đề xuất hợp lý bắt nguồn từ thực tế địa phương và sự nghĩ suy sâu xa cho văn hóa Hà Nội, nên đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các nhà quản lý và người dân. Sở Tài chính thống nhất với Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP, sẽ xem xét trình cơ chế đặc thù, tăng thêm so với nghị quyết của Chính phủ và quyết định của UBND TP Hà Nội.
Thế mới thấy, Hà Nội và những gì thuộc về mảnh đất nghìn năm văn hiến này luôn là sự hối thúc không ngừng nghỉ cho những lo toan, những niềm yêu và những quyết tâm để hiện thực hóa tình yêu ấy. Không chỉ những người trồng đào, quất, mà các nhà quản lý Hà Nội cũng đau đáu, chung lòng để giữ gìn và vực dậy một thương hiệu đào, quất nức tiếng đất Hà thành.
Rồi mùa Xuân sẽ trở lại, bằng cách này hay cách khác, người trồng đào, quất sẽ gọi được hoa về và chắc hẳn xưa nay hoa lá, cây cối chẳng phụ công người chăm bón, yêu thương nó. Đào Nhật Tân, quất Tứ Liên… sẽ lại khoe sắc để đón những mùa Xuân mới nơi Hà thành đô hội, hào hoa và tinh tế, như thú chơi tao nhã của người đất này.