Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sau sự cố chết người, dân "ngán" thang máy chung cư

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sự cố mất điện trong thang máy gây chết người vừa qua tại Hà Nội khiến không ít người lo ngại về chất lượng thang máy trong các tòa nhà cao tầng.

Sau sự cố mới đây tại chung cư CT3 Constrexim (Cầu Giấy, Hà Nội) gây chết người, chị Thu Ngân (Nam Định) đã tính đổi hướng sang thuê nhà trọ lâu dài, thay vì cố đi mua chung cư. Thuê trọ ở Cầu Giấy đã 10 năm, hai vợ chồng chị để dành được khoản tiền nhỏ và định mua một căn hộ tái định cư.
 
Nhưng sau khi nghe nhiều tin về các sự cố thang máy, chị Ngân chia sẻ: "Chất lượng chung cư không đảm bảo, thiết kế thang máy không đúng kỹ thuật nên tôi đang nghĩ đến phương án thuê nhà trọ lâu dài, khi đủ tiền thì mua nhà liền thổ trong ngõ sâu".
 
Chị Kiều Phương, một nhân viên văn phòng cho hay, công ty chị thuê một tòa nhà trên đường Thái Thịnh, song chuyện mất điện, kẹt thang và thang tự nhiên đóng mở dù không ai điều khiển là chuyện thường tình. "Chất lượng thang máy không đảm bảo nên cơ quan tôi đang kiếm tòa nhà khác để thuê", chị Phương lo lắng.
 
Cũng sau sự cố trên, nhiều topic trên mạng được lập ra và bình luận xôn xao. Trên diễn đàn Kết cấu, rất đông người tham gia tranh luận và chia sẻ trong chủ đề: "Bác nào thiết kế thang máy ở tòa nhà CT3 Yên Hòa - Cầu Giấy". Thành viên Tutaipham chia sẻ: "Nhà em ở tầng 15, từ khi nghe có tin chết vì đi thang máy, em cũng đâm hoảng".
 
 
Sau sự cố chết người, dân "ngán" thang máy chung cư - Ảnh 1
 
Phòng kỹ thuật vận hành thang máy. Ảnh: Thanh Hoa
 
Không ít ý kiến còn phân tích sâu về sự cố thang máy trên. Một thành viên giải thích, quy phạm thiết kế chống cháy nổ yêu cầu thang máy khi gặp sự cố thì phải có nguồn điện dự phòng. Thang máy đạt chuẩn nếu đột ngột mất điện phải di chuyển lên hoặc xuống tầng gần nhất, không thể có chuyện lửng lơ để người bước ra, rơi xuống thiệt mạng như vậy.
 
Trong khi đó, nhiều thành viên còn nghi ngờ về chất lượng của thang máy tòa nhà CT3. Có người chưa hiểu cho rằng thang đã "rơi tự do" dẫn đến chết người.
 
Anh Nguyễn Xuân Cường, Trưởng phòng kỹ thuật, Công ty THNN Thang máy SinViet cho biết, người sử dụng không nên quá hoang mang. Bởi nguyên tắc là khi thang máy gặp sự cố, chắc chắn sẽ không rơi bất ngờ. "Nếu gặp phải tình huống như vậy, chỉ cần bình tĩnh, bấm chuông hoặc kết nối điện thoại ra ngoài để ban quản lý tòa nhà đến trợ giúp", anh Cường tư vấn.
 
Theo chuyên viên này, thang máy cũng như chiếc ôtô, xe máy sử dụng hàng ngày nên mỗi tháng đều phải tiến hành bảo trì về ray, cáp, phanh, ác quy... để tránh xảy ra sự cố. Vấn đề là ở khâu giữ gìn, bảo trì, bảo dưỡng và cứu hộ khi xảy ra tình huống bất ngờ. "Bộ phận cứu hộ cũng cần được đào tạo chuyên môn, không thể chỉ để bảo vệ kiêm nhiệm", anh Cường nói.
 
Ông Trần Đức Thắng, Trưởng ban quản lý dự án khu văn phòng và nhà ở cao tầng, Công ty xây dựng đô thị Hà Nội cho biết, vấn đề mà khách hàng, người dân quan tâm nhất tại các khu chung cư cao tầng hiện nay là thang máy, gas và điện nước. Do đó, để tránh sự cố, nhà đầu tư phải lựa chọn kỹ càng những nhà cung ứng, xuất xứ, linh kiện và và đội ngũ kỹ thuật lắp ráp. Với những trường hợp mất điện đột ngột, hệ thống thang máy sẽ có bộ tích điện nhằm đưa thang máy về tầng gần nhất, tránh tình trạng thang treo lơ lửng gây hoang mang cho người sử dụng.
 
Để đảm bảo an toàn, bên thầu có trách nhiệm bảo hành công trình trong 12- 18 tháng kể từ ngày nghiệm thu bàn giao công trình cho chủ đầu tư. "Bên nhận thầu phải có trách nhiệm khắc phục, sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng, khiếm khuyết hoặc khi công trình vận hành, sử dụng không bình thường do lỗi của nhà thầu gây ra", ông Thắng nói.