Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nam Định:

Sau thông báo buộc trả lại đất, chính quyền đối thoại với người dân Cồn Xanh

Bảo Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông báo của chính quyền huyện Nghĩa Hưng, những hộ gia đình, cá nhân cố tình không chấp hành bàn giao đất đã hết hạn thuê sẽ bị cưỡng chế, phải chịu mọi phí tổn do phải cưỡng chế và không được nhận các chính sách hỗ trợ của nhà đầu tư.

Trước đó, ngày 14/8, UBND huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đã tổ chức đối thoại với một số hộ dân nuôi thủy sản tại khu vực bãi bồi ven biển khu vực Cồn Xanh, nằm trong phạm vi GPMB thực hiện dự án Nhà máy cấu kiện bê tông đúc sẵn, là một trong ba dự án thuộc Tổ hợp dự án Nhà máy thép xanh, tổng vốn đầu tư gần 100 nghìn tỷ đồng đang được chính quyền tỉnh Nam Định, Tập đoàn Xuân Thiện triển khai tại đây.

Ông Hoàng Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng đối thoại với người dân nuôi thủy sản ở khu vực Cồn Xanh trong ngày 14/8. Ảnh: DH
Ông Hoàng Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng đối thoại với người dân nuôi thủy sản ở khu vực Cồn Xanh trong ngày 14/8. Ảnh: DH

Trước đó, UBND tỉnh Nam Định đã 6 lần tổ chức đối thoại với người dân nuôi thủy sản ở khu vực Cồn Xanh, trong đó 2 lần có sự tham gia đối thoại của đại diện các bộ, ngành ở Trung ương có liên quan.

Ở  cuộc đối thoại mới nhất, lãnh đạo UBND huyện Nghĩa Hưng tái khẳng định những mục đích, ý nghĩa tích cực của việc tỉnh Nam Định thu hút, triển khai quy trình đầu tư Tổ hợp dự án thép do Tập đoàn Xuân Thiện làm chủ đầu tư, những kỳ vọng của địa phương đối với dự án; nhấn mạnh “Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổng thể các giải pháp thu hồi đất phục vụ triển khai dự án”.

Lãnh đạo Tập đoàn Xuân Thiện tham gia cuộc đối thoại đã nêu ra một số chính sách của Tập đoàn hỗ trợ cho người dân thuộc diện GPMB, trong đó hỗ trợ các hộ dân để di chuyển vật dụng, con nuôi, chòi lán ra khỏi khu vực các dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với mức 70 triệu đồng/ha.

Người dân nuôi thủy sản ở khu vực Cồn Xanh đối thoại với đại diện chính quyền huyện Nghĩa Hưng. Ảnh: DH
Người dân nuôi thủy sản ở khu vực Cồn Xanh đối thoại với đại diện chính quyền huyện Nghĩa Hưng. Ảnh: DH

Với những hộ đã chuyển hẳn ra đầm sinh sống, hiện không có nhà ở nơi khác, Tập đoàn hỗ trợ kinh phí để các hộ xây dựng nhà ở, mức hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ.

Với những người trong độ tuổi lao động từ 18 tuổi đến 60 tuổi, Tập đoàn nhận toàn bộ số lao động vào làm việc, tùy theo trình độ, chuyên môn và năng lực sẽ bố trí công việc cho phù hợp. Những lao động phổ thông sẽ bố trí các công việc phù hợp như ( nhân viên tạp vụ, cấp dưỡng, bảo vệ,…).

Với những người hết tuổi lao động (trên 60 tuổi) căn cứ tình hình sức khỏe cụ thể, Tập đoàn có thể vẫn tuyển dụng làm lao động phổ thông, trường hợp không đủ sức khỏe Tập đoàn sẽ có kế hoạch, chế độ hỗ trợ an sinh cụ thể.

Về phía các hộ dân đang nuôi thủy sản ở khu vực Cồn Xanh bày tỏ sự ủng hộ chủ trương của tỉnh, huyện trong việc thu hồi đất triển khai các dự án trên.

Tuy nhiên, người dân tiếp tục kiến nghị tỉnh, huyện và nhà đầu tư các nội dung liên quan mức kinh phí hỗ trợ GPMB; đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người dân sau khi bàn giao mặt bằng; đảm bảo môi trường; hỗ trợ giãn, giảm lãi suất ngân hàng; hỗ trợ thu mua thủy sản cho các hộ nuôi trong diện phải thu hồi đất.

Các ý kiến, kiến nghị của người dân được lãnh đạo UBND huyện Nghĩa Hưng tiếp thu; khẳng định, những nội dung kiến nghị của người dân đã được UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh, UBND huyện trả lời nhiều lần; yêu cầu các hộ dân chấp hành việc thu dọn tài sản, bàn giao đất cho chính quyền.

Thông báo ngày 13/8 của UBND huyện Nghĩa Hưng.
Thông báo ngày 13/8 của UBND huyện Nghĩa Hưng.

Trước khi cuộc đối thoại diễn ra một ngày, UBND huyện Nghĩa Hưng ban hành Thông báo “về việc buộc trả lại đất tại khu vực Cồn Xanh”.

Theo như văn bản, “toàn bộ đất phía trong đê Cồn Xanh của huyện Nghĩa Hưng là đất công và hiện Nhà nước không cho bất cứ tập thể, cá nhân nào thuê để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, vẫn có các hộ gia đình, cá nhân đang tự ý nuôi trồng thủy sản ở diện tích trên. Trong thời gian qua, UBND huyện Nghĩa Hưng đã nhiều lần ban hành văn bản thông báo về việc di dời tài sản, chấm dứt hoạt động của người dân nuôi trồng thủy sản tại khu vực Cồn Xanh. Đến nay, đã có một số hộ dân chấp hành và ký biên bản bàn giao đất cho Nhà nước quản lý”.

Tuy nhiên, theo văn bản “vẫn còn nhiều hộ dân chưa chấp hành các nội dung đã thông báo, vẫn chưa di dời tài sản và tiếp tục nuôi trồng thủy sản trái phép trên vị trí đất không được Nhà nước giao, cho thuê; cản trở các cơ quan Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai theo quy định”.

“Đây là hành vi chiếm đất, chống người thi hành công vụ cần phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”, Thông báo của UBND huyện Nghĩa Hưng nêu.

UBND huyện Nghĩa Hưng “yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trong đê Cồn Xanh phải chấm dứt ngay việc sử dụng đất trái phép, di dời toàn bộ tài sản và bàn giao đất cho UBND xã quản lý theo đúng quy định pháp luật”.

Đồng thời cho biết “những hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nằm trong đê Cồn Xanh ký biên bản bàn giao đất sẽ được Công ty Xuân Thiện Nam Định chi trả khoản hỗ trợ di dời tài sản, con nuôi với mức 70 triệu đồng/ha, nếu không có nhà ở thì được hỗ trợ 100 triệu đồng và hỗ trợ việc làm khác như Công văn số 16/2024-XTNĐ của Công ty CP Xuân Thiện Nam Định”.

“Những hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không ký biên bản bàn giao đất sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, bị buộc trả lại đất. Nếu cố tình không chấp hành bàn giao đất sẽ bị cưỡng chế buộc trả lại đất, phải chịu mọi phí tổn do phải cưỡng chế và không được nhận bất kỳ khoản hỗ trợ nào của Công ty CP Tập đoàn Xuân Thiện. Nếu có hành vi chống đối thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.