Sau tiêm vaccine Covid-19, trẻ tránh vận động mạnh

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine, phụ huynh cần chú ý không để trẻ vận động mạnh, thực hiện các hoạt động gắng sức hay chơi thể dục thể thao. Bởi sau tiêm vaccine, trẻ sẽ đau cơ, các hoạt động vận động mạnh sẽ khiến trẻ bị căng cơ, gây đau ở vị trí tiêm.

Học sinh trường THCS Hồng Minh khi được tiêm vaccine phòng Covid-19 sáng 17/4
Học sinh trường THCS Hồng Minh khi được tiêm vaccine phòng Covid-19 sáng 17/4

Theo tin từ Bộ Y tế, sau 2 ngày tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi tại 4 địa phương đầu tiên trên cả nước là Quảng Ninh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hà Nam đã có hơn 12.400 học sinh lớp 6 được tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1. Hôm nay (18/4), các địa phương trên cả nước bước vào tuần lễ triển khai tiêm vaccine cho trẻ trong nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12.

Học sinh trường THCS Hồng Minh khi được tiêm vaccine phòng Covid-19 sáng 17/4. Ảnh: Hữu Hải
Học sinh trường THCS Hồng Minh khi được tiêm vaccine phòng Covid-19 sáng 17/4. Ảnh: Hữu Hải

Trước đó, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai tiêm vaccine cho học sinh lớp 6. Tiếp đến là 3 tỉnh, TP: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hà Nam triển khai tiêm cho nhóm trẻ ở độ tuổi này.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cả nước có khoảng 11,8 triệu trẻ trong nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ước tính đến tháng 4 và tháng 5/2022, khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc Covid-19. Như vậy, trong quý II/2022, Bộ Y tế ước tính sẽ tiêm đủ cho 8,2 triệu trẻ. Những trẻ đã mắc Covid-19 sẽ trì hoãn tiêm chủng sau 3 tháng. Như vậy, khoảng 3,6 triệu trẻ đã mắc Covid-19 sẽ được tiêm vào tháng 7 và tháng 8/2022.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, vaccine sẽ được tiêm cho nhóm trẻ lớp 6 rồi hạ dần độ tuổi tiêm cho trẻ nhỏ hơn. Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể cho từng lô vaccine để đảm bảo tính đồng đều và giám sát an toàn tiêm chủng trên toàn quốc.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, việc duy trì, tăng cường công tác tiêm chủng các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khoẻ cho trẻ em trong tình hình dịch Covid-19, góp phần giảm mắc bệnh cho trẻ em và giảm lây truyền giữa các thế hệ trong gia đình, giáo viên, học sinh tại trường học. Tiêm cho trẻ em cũng giúp thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, khi đi tiêm chủng, phụ huynh phải theo dõi sức khỏe của trẻ những ngày trước đó, xem có các biểu hiện bất thường, viêm long đường hô hấp hay không. Có nhiều buổi tiêm chủng khác nhau, do đó, nên tiêm chủng khi trẻ khỏe mạnh. Đặc biệt, nếu trẻ nghi ngờ mắc Covid-19 thì cũng không nên tiêm chủng.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiêm vaccine phòng Covid-19, TS Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh, cha mẹ cần lưu ý các mốc thời gian sau khi tiêm của trẻ 30 phút tại tiêm chủng; 24 tiếng sau tiêm; 3 ngày sau tiêm, 1 tuần và 28 ngày sau tiêm… theo đó cần phối hợp với nhà trường theo dõi chặt chẽ diễn biến ở trẻ. Đặc biệt, lưu ý trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine, phụ huynh cần chú ý không để trẻ vận động mạnh, thực hiện các hoạt động gắng sức, hay chơi thể dục thể thao. Bởi sau khi tiêm vaccine, trẻ sẽ đau cơ, các hoạt động vận động mạnh sẽ khiến trẻ bị căng cơ, gây đau ở vị trí tiêm, có thể có hội chứng viêm tại vùng tiêm.

Ngoài ra, theo chuyên  gia, sau khi trẻ tiêm vaccine, cha mẹ cần ghi nhận nhiệt độ của trẻ mỗi 4-6 giờ, không nên cho trẻ ngủ một mình, để ý trẻ khi ở quá lâu trong nhà vệ sinh hay phòng riêng. Trẻ cần ngủ đủ và uống đủ nước, hạn chế uống những chất kích thích như cà phê, nước ngọt, trà sữa, nước tăng lực.... Trẻ không cần kiêng tắm hay thức ăn gì, trừ những thức ăn đã làm trẻ dị ứng trước đây.

“Trong quá trình theo dõi sau tiêm ở trẻ, nếu có những dấu hiệu sau cần cho trẻ đến cơ sở y tế ngay. Cụ thể như: trẻ kích thích vật vã, lừ đừ, bỏ bữa...; đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi; khó thở khi hoạt động bình thường, khi nằm; sốt cao khó hạ nhiệt độ, hoặc kéo dài hơn 24 giờ; xuất hiện vân tím trên da; phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ... Thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ nên cho trẻ tới cơ sở y tế để tư vấn, thăm khám" - TS Lê Viết Ngãi khuyến cáo.

 

"Tiêm vaccine cho trẻ em không phải là bắt buộc trong hoàn cảnh hiện tại nhưng mọi trẻ em đều cần vaccine để được bảo vệ trước Covid-19. Những bằng chứng khoa học cho thấy vaccine không những bảo vệ trẻ khỏi mắc bệnh nặng và tử vong mà còn làm giảm nguy cơ bị hậu Covid-19 khi không may bị mắc bệnh.

Những trẻ có bệnh lý nền, có tình trạng sức khoẻ không tốt như béo phì hay bệnh lý bẩm sinh thì rất cần được tiêm và nên được ưu tiên tiêm trước. Chỉ có các trẻ có tình trạng dị ứng/phản vệ với liều tiêm trước hay thành phần của vaccine thì mới có chống chỉ định với vaccine này.

Ngoài ra, trẻ em đang có bệnh lý tiến triển hoặc mắc các bệnh cấp tính thì cần hoãn tiêm và khám chuyên khoa, chỉ khi không còn tình trạng bệnh cấp tính và các bệnh lý đang mắc được chẩn đoán là ổn định thì mới đủ tiêu chuẩn để được tiêm vaccine Covid-19." - TS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần