Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sáu tiêu chí khai thác sử dụng lòng đường vỉa hè

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 18/12, Sở Xây dựng Hà Nội phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Hội thảo thực trạng, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tại hội thảo, các đại biểu đã làm rõ một số vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, cơ chế của pháp luật liên quan đến việc quản lý, khai thác lòng đường hè phố. Đồng thời đưa ra 6 tiêu chí khai thác sử dụng lòng đường, vỉa hè.

Thay mặt Tổ soạn thảo đề án Quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Vinh đã trình bày dự thảo 6 tiêu chí để xác định hè phố tiêu chuẩn để đưa vào quản lý, khai thác.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Tiêu chí 1: Hè phố cho phép kinh doanh phải cáo hè phố chiều rộng tối thiểu 3m (trừ trường hợp đặc biệt trong khu phố cổ). Trong đó, bề rộng hè phố đảm bảo từ 3m trở lên để đáp ứng cho người đi bộ 1,5m, bố trí hạ tầng kỹ thuật, một phần để kinh doanh và trông giữ phương tiện; Đối với khu phố cổ cho phép hè phố có chiều rộng nhỏ hơn 3m được kinh doanh trong thời gian tổ chức không gian đi bộ hoặc thời gian khác được UBND quận cấp phép.

Tiêu chí 2: Đảm bảo chỗ đỗ xe cho khách tại chỗ hoặc trong phạm vi cho phép. Cụ thể, từ địa điểm kinh doanh đến bãi đỗ xe gần nhất không lớn hơn 500m; Hoặc khoảng cách từ điểm kinh doanh đến ga, bến xe công cộng gần nhất không lớn hơn 500m; Những vị trí hè phố mà dưới lòng đường đã sử dụng để trông giữ phương tiện giao thông thì không bố trí phương tiện xe đạp, xe máy, phạm vi này dành cho người đi bộ hay dùng để đặt các quầy bán hàng tự động.

PGS.TS Nguyễn Thị Vinh phát biểu tại hội thảo 
PGS.TS Nguyễn Thị Vinh phát biểu tại hội thảo 

Đối với khu vực phố cổ, khu phố cũ do hộ kinh doanh tự thu xếp; Đối với các tuyến phố nằm trong phố đi bộ của khu phố cổ có thể xem xét từng vị trí cụ thể để cấp phép kinh doanh; Đối với các vỉa hè có bề rộng lớn hơn 4m mà không tổ chức kinh doanh, UBND cấp huyện có thể cấp phép trông giữ phương tiện xe máy tuỳ theo nhu cầu của từng khu vực, đảm bảo không lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ (tối thiểu 1,5m).

Tiêu chí 3: Kinh doanh đảm bảo yếu tố an toàn, văn minh. Trong đó, các hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh theo quy định) cần được chính quyền địa phương phổ biến, tập huấn và ký cam kết về việc kinh doanh đảm bảo an toàn, văn minh, thân thiện; Riêng các hộ kinh doanh ăn uống cần có giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tiêu chí 4: Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật. Hoạt động kinh doanh phải có phương án để đảm bảo phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường không để ảnh hưởng tới hạ tầng kỹ thuật (độ chịu lực của kết cấu hè phố, đảm bảo an toàn tủ điện), cây xanh khu vực kinh doanh.

Tiêu chí 5: UBND cấp huyện cần lấy ý kiến của người dân trước khi tiến hành cho phép hè phố kinh doanh. UBND cấp huyện cần lấy ý kiến các hộ dân thuộc biển số nhà thuộc khu vực cấp phép kinh doanh để đảm bảo sự thoả thuận và đồng thuận. Ưu tiên cho người đã kinh doanh ở vị trí đó.

Tiêu chí 6: Hè phố tổ chức kinh doanh phải được UBND cấp huyện cấp phép về thời hạn cấp phép (6 tháng hay 1 năm); Thời gian kinh doanh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại tuyến phố và đảm bảo an ninh trật tự giao thông thông suốt; Mặt hàng kinh doanh do UBND cấp huyện xác định cụ thể đảm bảo phát triển đô thị, phát triển du lịch, kinh doanh thương mại văn minh, phù hợp với văn hoá địa phương; Đối với hộ kinh doanh di động, phải được trang bị quầy bán hàng theo quy cách được UBND cấp huyện ban hành.