Cùng tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và địa phương. Về phía Hà Nội có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ ra sáu vướng mắc, khó khăn chính của các dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm ngành GTVT trên cả nước.
Đầu tiên là vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB). Đây được xem là khâu khó khăn, phức tạp nhất, ảnh hưởng lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án. Mặc dù các địa phương đã quyết liệt, tập trung thực hiện, tuy nhiên do khối lượng GPMB lớn, trải dài, quá trình thực hiện có nhiều vấn đề phát sinh nên tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu.
Ví dụ như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, triển khai từ giữa năm 2019, đến nay vẫn còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời; dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Bến Thành - Tham Lương triển khai từ năm 2011 đến nay GPMB mới đạt 84%...
Tiếp theo là nguồn cung vật liệu đắp nền đường còn hạn chế, thủ tục cấp phép khai thác mất nhiều thời gian dẫn đến một số thời điểm xuất hiện tình trạng khan hiếm, nâng giá, ép giá ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án.
Mặc dù, Chính phủ đã có các nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục triển khai cấp phép nhưng nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của chủ đầu tư thì vấn đề vật liệu vẫn là nút thắt lớn cho các dự án.
Bên cạnh đó, thời gian qua, giá nhiên, nguyên, vật liệu có biến động lớn ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan. Việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường chưa bù đắp được mức độ biến động giá quá lớn, dẫn đến thiếu hụt tài chính và thua lỗ cho nhà thầu, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Mặt khác, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong 2 năm qua, thời tiết tại một số khu vực có diễn biến bất thường, mưa nhiều và đến sớm hơn thường lệ làm tiến độ thi công một số dự án bị chậm so với kế hoạch ban đầu.
Một vấn đề khác, năng lực của một số chủ đầu tư, ban QLDA, tư vấn, thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công xây dựng còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai, đồng thời, các dự án với phạm vi, quy mô đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, thời gian triển khai ngắn như hiện nay.
Ngoài ra, một số dự án triển khai với những nguồn vốn khác nhau nên cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc bố trí vốn, triển khai các dự án, dự án thành phần.
Phức tạp hơn, các dự án sử dụng vốn vay những tổ chức quốc tế như: đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cao tốc Bến Lức - Long Thành…, thủ tục triển khai phức tạp đan xen giữa các thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam, dẫn đến việc điều chỉnh dự án, bổ sung vốn, quản lý hợp đồng khá phức tạp và kéo dài.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội hiện có 3 dự án trọng điểm Quốc gia ngành GTVT gồm: Vành đai 4 – Vùng Thủ đô; tuyến ĐSĐT số 3 Nhổn - Ga Hà Nội; tuyến ĐSĐT số 2 Nam Thăng Long Trần Hưng Đạo.
Hiện, các dự án cũng đang gặp khó khăn tương tự như nhiều dự án trọng điểm ngành GTVT khác và đang được Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đang nỗ lực sớm đưa đoạn tuyến trên cao, dự án ĐSĐT số 3 Nhổn - Ga Hà Nội vào vận hành trong cuối năm nay. Dự kiến, khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vào giữa năm 2023.