Theo ông Thành, năm 2018, SCIC tiếp 2 đoàn kiểm toán, kiểm tra quan trọng, trong đó 1 đoàn Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và 1 đoàn kiểm tra của Đảng ủy khối DN. "Đoàn kiểm tra khối DN kết luận không vi phạm. KTNN nếu tổng hợp kiến nghị thì cũng không vấn đề gì, chỉ có 1 điểm liên quan tới dự án số 6 Thăng Long yêu cầu rút kinh nghiệm. Đánh giá chung của KTNN là SCIC chấp hành đúng chủ trương, các văn bản pháp luật liên quan sản xuất kinh doanh, quản lý sử dụng vốn cơ bản theo đúng quy định. KTNN có biên bản và kết luận và không có vấn đề gì có thể tạo ra sai phạm"- ông Thành nói.
Nói về khoản đầu tư vào Vinaconex, ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch SCIC cho biết, cách vài năm đầu tư vào đó 2.000 tỷ đồng, dư luận nói tại sao đưa vào công ty thua lỗ như thế. “Không đầu tư vào thì công ty phá sản và vốn Nhà nước mất. Chúng tôi với trách nhiệm cổ đông, chức năng nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, đưa đầu tư vào và cùng anh em Vinaconex dần dần đưa Vinaconex vượt qua khó khăn. Đầu tiên chia lợi nhuận 4%, sau 8%, 12%. Tự nhiên ngồi mát ăn bát vàng sao được"- ông Chi dẫn ví dụ.
Trước đó, báo cáo kết quả kiểm toán tại SCIC của KTNN đã chỉ ra một số tồn tại, sai phạm trong hoạt động của đơn vị này. Cụ thể, các khoản SCIC tự đầu tư hiệu quả thấp (tỷ suất sinh lời năm 2017 là 6,4% trên giá trị vốn đầu tư). Trong đó, chủ yếu là lợi tức từ khoản đầu tư trái phiếu chính phủ 330 tỉ đồng, trái phiếu MB Bank 101 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam 26,8 tỷ đồng… Nhiều khoản đầu tư không có hiệu quả như phương án ban đầu.
Cụ thể, góp vốn vào Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng với tổng giá trị đầu tư là 489,28 tỷ đồng từ năm 2009, cổ tức SCIC nhận được từ năm 2013 - 2017 chỉ 135 tỷ đồng; hoặc đầu tư không có hiệu quả, đơn vị đầu tư sản xuất kinh doanh thua lỗ như góp vốn vào Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh với tổng giá trị đầu tư là 571,57 tỷ đồng (từ năm 2009).
Bên cạnh đó, năm 2008, SCIC góp vốn vào dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư và dịch vụ Thăng Long để triển khai dự án xây dựng cao ốc, văn phòng, căn hộ tại khu đất số 6 Thăng Long, phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh nhưng đến nay dự án chưa triển khai.
Ngoài ra, SCIC góp 199 tỷ đồng (từ năm 2007) để hợp tác với Bảo Việt Nhân Thọ thực hiện dự án tháp tài chính trên khu đất 220 Trần Duy Hưng, quận cầu Giấy, Hà Nội, đến nay dự án chưa triển khai. Hay góp vốn vào dự án Công ty CP Tháp truyền hình Việt Nam với số tiền 49,5 tỷ đồng từ năm 2015 nhưng gặp khó khăn. Đến năm 2017, SCIC mới được Thủ tướng chấp thuận chủ trương thoái vốn khỏi dự án…
Việc đầu tư xây dựng, KTNN cho biết một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ, có dự án dừng không thực hiện hoặc phải dừng triển khai trong một thời gian dài làm hiệu quả dự án không đạt được so với mục tiêu. Cụ thể, dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh, ngày 18/8/2006, Vinaconex ký hợp đồng liên danh với Posco thành lập Công ty TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) để thực hiện dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh với quy mô 264,4ha, tổng vốn đầu tư 3.391 tỷ đồng, thời hạn hoạt động dự án 50 năm. Nhưng đến nay, số lỗ lũy kế đến 30/6/2018 của An Khánh JVC là 965,43 tỷ đồng. KTNN cho biết theo báo cáo của đơn vị, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới công ty kinh doanh thua lỗ do tồn kho lớn (tồn 240 căn chung cư từ 2013).
Ngoài ra, việc dự án phải dừng thực hiện trong bốn năm, trong khi vẫn phát sinh chi phí lãi vay 450,685 tỉ đồng và chênh lệch tỷ giá 728,364 tỷ đồng.