SCIC đã giải ngân hơn 6.800 tỷ mua cổ phiếu Vietnam Airlines

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/9/2021, SCIC đã giải ngân số tiền 6.894,9 tỷ đồng mua cổ phiếu để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN - HOSE).

Gói giải cứu 12.000 tỷ đồng Vietnam Airlines

Việc SCIC đầu tư mua cổ phiếu tại HVN góp phần bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của Vietnam Airlines, hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ sớm hoàn tất Đề án tái cơ cấu tổng thể để đảm bảo thích nghi với tình hình mới, vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển bền vững.

 Ảnh minh hoạ.

Theo Chiến lược phát triển của SCIC giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2035, SCIC xác định tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực nhà nước cần nắm giữ có tác động lan tỏa đến nền kinh tế, thực hiện tốt vai trò là "nhà đầu tư của Chính phủ" theo định hướng chiến lược của Đảng và Chính phủ.

Năm 2020, Quốc hội đã thông qua gói giải pháp hỗ trợ 12.000 tỷ đồng để bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho Vietnam Airlines trong đó 4.000 tỷ là vay tái cấp vốn lãi suất 0% từ các tổ chức tín dụng còn 8.000 tỷ để tăng vốn điều lệ đến từ phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu.

Trong phương án giải cứu Vietnam Airlines, Tổng công ty sẽ tiến hành chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng. Trong đợt tăng vốn này, cổ đông chiến lược ANA Holdings không tham gia mà chuyển nhượng lại cho cán bộ/nhân viên Vietnam Airlines với giá 0 đồng. Hãng hàng không Nhật Bản chấp nhận việc pha loãng do cũng đang trong tình trạng khó khăn.

Tháng 6 vừa qua, 3 ngân hàng gồm SeaBank, MSB và SHB có cam kết tài trợ cho Vietnam Airlines (HoSE: HVN) vay với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Hậu giải cứu Vietnam Airlines làm gì?

Tại thời điểm 30/6/2021, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines vẫn âm 2.750 tỷ đồng sau khi ghi nhận lỗ 8.585 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2021. Hãng hàng không quốc gia đã có 6 quý lỗ nặng liên tiếp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Lỗ luỹ kế lên tới 17.772 tỷ đồng. Nếu sau khi hoàn tất phát hành hoàn tất 8.000 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu, quy mô vốn điều lệ sẽ tăng lên thành 22.182 tỷ đồng, vượt mức 16.000 tỷ của Hãng Bamboo Airways và 21.772 tỷ của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam để giữ ngôi đầu ngành hàng không Việt Nam. Hiện nay, nguồn thu Nhà nước giảm sút, chi tiêu cắt giảm, phải “thắt lưng buộc bụng” nhưng vẫn có nhiều động thái, đề xuất giải pháp hỗ trợ Vietnam Airlines.

Năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm Vietnam Airlines lỗ hợp nhất lên tới trên 11.000 tỷ đồng. Năm 2021, HVN dự kiến lỗ hơn 20.000 tỷ đồng, nhưng sẽ cắt giảm chi phí 9.450 tỷ đồng, trong đó giải pháp tự thân hơn 6.000 tỷ đồng. Có nghĩa giảm lỗ tối đa nhờ cắt giảm chi phí đang là bước một của tái cấu trúc hoạt động. Dòng tiền âm rất lớn. Khoản 12.000 tỷ đồng này sẽ trợ giúp cho Vietnam Airlines để hỗ trợ thanh khoản cho thời điểm này, và cả những tháng đầu năm 2022.

“Nhưng đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn ra rất phức tạp, vẫn là một “ẩn số”. Chính vì vậy, Tổng công ty Hàng không Việt Nam sẽ triển khai hàng loạt giải pháp khác, như tiếp tục tái cơ cấu lại tổ chức, tài chính, danh mục đầu tư, đặc biệt là đàm phán với các chủ nợ, các nhà cung cấp để giảm, giãn hoãn các chi phí này. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục tăng nguồn thu thông qua sử dụng máy bay để tăng cường chở hàng hóa, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo giao thương cho đất nước, vừa duy trì sự phát triển cho Vietnam Airlines” - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hoà chia sẻ với báo giới. Lãnh đạo Vietnam Airlines kỳ vọng, với sự quyết tâm của Chính phủ về chiến lược vaccine sẽ giúp ngành hàng không trong thời gian tới, đặc biệt là cuối quý 3, đầu quý 4/2021 sẽ có khởi sắc.

Trong phương án tái cơ cấu của Vietnam Airlines, về điều hành, sẽ tổ chức lại sản xuất phù hợp hơn với quy mô thị trường, tái cơ cấu lao động, tài sản và nguồn vốn. Hãng cho thuê lại các tàu bay không sử dụng, thanh lý đội tàu bay cũ, cải cách tiền lương, áp dụng chính sách lương mới trong dịch Covid-19...

Cũng theo Vietnam Airlines, hãng sẽ tìm các giải pháp để tối ưu hóa hoạt động, tăng doanh thu qua vận chuyển hàng hóa, bay thuê, mở đường bay mới… áp dụng đa kênh bán hàng để phát huy sức mạnh cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vietnam Airlines xác định trong bối cảnh hiện nay, khả năng xử lý máy bay thừa theo phương thức bán hoặc cho thuê lại gặp nhiều khó khăn, việc mở thêm đường bay mới có hiệu quả, giúp hãng tăng thêm doanh thu, giảm thiệt hại tài chính khi dư thừa nguồn lực do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Vừa qua hãng đã được cấp phép bay đến Canada và lên kế hoạch bay đến Mỹ trong năm nay, theo hãng là những tuyến bay vừa đáp ứng được nhiệm vụ chính trị thiết lập cầu nối giao thương và tạo tiền đề cho sự phát triển khi thị trường phục hồi sau dịch. Đây là các giải pháp xác đáng thiết thực để kì vọng có một  Vietnam Airlines sải cánh vươn cao trở lại trong tương lai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần