Theo đó, nhiều địa phương đã chủ động vận dụng sáng tạo giáo dục văn hóa dân tộc và tri thức địa phương cho các học sinh trong các trường học. Điển hình là các hoạt động sưu tầm, biên soạn tài liệu giáo dục văn hóa dân tộc, đưa vào các trò chơi dân gian, lễ hội dân tộc vào trường học…
Đáng chú ý, hiện nay, cả nước đã chính thức triển khai dạy và học 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số (đã có chương trình và sách giáo khoa do Bộ GD & ĐT ban hành) gồm: HMông, Chăm, Khơ Me, Jrai, Ba Na, Ê Đê. Ngoài ra, còn có 2 thứ tiếng là Thái và Mnông đã ban hành chương trình, đang tổ chức thực nghiệm sách khoa và dự kiến sẽ sớm được đưa vào giảng dạy trong các trường học.
Thống kê của Ủy ban Dân tộc cho thấy, việc dạy tiếng dân tộc thiểu số đang được thực hiện tại 23 tỉnh, TP trong cả nước. 715 trường, tương ứng với 4.812 lớp và 113.231 học sinh đang được giảng dạy 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số kể trên.
Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh, giáo dục văn hóa dân tộc và tri thức địa phương, dạy học tiếng dân tộc thiểu số ở các cơ sở giáo dục vùng dân tộc miền núi được các địa phương rất chú trọng thời gian qua. Nhờ đó, đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, khơi dậy niềm tự hào, tạo hứng thú đến trường cho các em học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi.