Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Sẽ có thêm 11,9 triệu căn nhà trong giai đoạn 2021 – 2030

Kinhtedothi - Bộ Xây dựng đang triển khai lấy ý kiến góp ý về dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2040, đề xuất một số quan điểm, xác định rõ định hướng về phát triển nhà ở phục vụ nhu cầu nhà ở toàn dân và các nhóm đối tượng trong chính sách hỗ trợ nhà ở. Theo đó, dự kiến giai đoạn 2021 – 2030 sẽ phát triển và cải tạo sửa chữa thêm 11,9 triệu căn nhà, tương ứng với diện tích 1,032 tỷ m2 sàn.

Triển khai hiệu quả chính sách về nhà ở

Theo Bộ Xây dựng, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến 2030 ban hành theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả, đặc biệt trong việc thúc đẩy phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường, xây dựng, thực thi chính sách nhà ở cho từng nhóm đối tượng cần hỗ trợ về nhà ở.

Đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt 24,4m2, khu vực đô thị 25,1m2 sàn/người (tăng thêm 3,8m2 sàn/người so với năm 2011). Khu vực nông thôn 24m2 sàn/người (tăng 6,2m2 sàn/người so với năm 2011). Tỷ lệ hộ dân sống trong nhà kiên cố, bán kiên cố tăng lên 93,1%.

Bộ Xây dựng đặt mục tiêu phát triển thêm 11,9 triệu căn nhà giai đoạn 2021 - 2030 (Ảnh: Doãn Thành).

Cả nước đã hoàn thành 260 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, tương ứng 110.000 căn, tổng diện tích 5,5 triệu m2 nhà ở. Đang tiếp tục triển khai hơn 270 dự án với 256.000 căn, tổng diện tích 12,8 triệu m2 nhà ở. Ngoài ra, cũng thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lụt đạt 500.000 hộ dân, tương đương khoảng 2 triệu người dân có chỗ ở an toàn.

Tập trung nâng cao chất lượng nhà ở

Đại diện Bộ Xây dựng thông tin, dự thảo Chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2040, đang được Bộ lấy ý kiến đóng góp sẽ tập trung vào một số nội dung như: Phấn đấu phát triển, cải tạo sửa chữa nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 đạt 1,032 tỷ m2, tương ứng 11,9 triệu căn nhà. Đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu nguời toàn quốc đạt 27m2 sàn/người, năm 2030 khoảng 30m2 sàn/người.

Cùng với đó sẽ tăng tỷ trọng cơ cấu nhà cho thuê, đẩy mạnh phát triển nhà ở thương mại diện tích trung bình, giá cả hợp lý đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân. Đẩy nhanh công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị; Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, kết cấu lại chính sách cụ thể riêng cho từng loại hình nhà ở, nhóm đối tượng mục tiêu bao gồm công nhân, người thu nhập thấp tại đô thị, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Nhân dân. Hoàn thiện, sửa đổi quy định về việc quản lý, phát triển nhà ở và đặt ra nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 - 2030 là phát triển nhà ở cho công nhân.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, việc xây dựng “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040” là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước giao cho ngành Xây dựng nghiên cứu, ban hành chính sách thời gian tới, đồng thời cũng là căn cứ để các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2040.

“Giai đoạn sắp tới, sẽ thực hiện đồng bộ chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, tăng thu cho ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển, vẫn phải thực hiện chính sách an sinh về nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội, người yếu thế, hộ nghèo khu vực nông thôn, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai… Qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay.

Lãnh đạo đại diện Bộ Xây dựng cho biết, sau khi tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp, Bộ dự kiến hoàn thiện dự thảo Chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý IV/2021.
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Xu hướng xanh hóa bê tông hạ tầng giao thông đô thị

Xu hướng xanh hóa bê tông hạ tầng giao thông đô thị

30 Jun, 06:01 AM

Kinhtedothi - Hệ lụy từ biến đổi khí hậu và đô thị hóa nhanh chóng đang thúc giục các TP trên khắp thế giới tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để biến đổi môi trường sống, hướng tới sự bền vững, hài hòa với thiên nhiên.

Phát huy thế mạnh Vùng Thủ đô

Phát huy thế mạnh Vùng Thủ đô

27 Jun, 05:00 AM

Kinhtedothi - Để Hà Nội chủ động liên kết, dẫn dắt Vùng Thủ đô, tạo hiệu ứng lan tỏa, tương xứng với tiềm năng và vị thế vốn có, Luật Thủ đô 2024 quy định việc liên kết, phát triển vùng của Hà Nội không chỉ giới hạn trong phạm vi 10 tỉnh, TP thuộc khu vực Vùng Thủ đô như hiện nay, mà còn bao hàm cả việc liên kết, phát triển với các địa phương khác trong Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng trung du miền núi phía Bắc và các tỉnh, TP khác.

Xây dựng tiết kiệm năng lượng: Đòi hỏi tất yếu

Xây dựng tiết kiệm năng lượng: Đòi hỏi tất yếu

27 Jun, 04:56 AM

Kinhtedothi - Trong bối cảnh giá năng lượng biến động, áp lực giảm phát thải và hướng đến mục tiêu Net‑Zero vào năm 2050, xu hướng xây dựng tiết kiệm năng lượng đang trở thành trụ cột quan trọng của ngành xây dựng tại Việt Nam. Bằng việc tối ưu thiết kế, áp dụng vật liệu hiệu quả và chính sách hỗ trợ, công trình không chỉ tiết kiệm chi phí vận hành mà còn góp phần bảo vệ môi trường lâu dài.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ