Ngân hàng đang thừa tiền?
Theo thống kê từ nhóm nghiên cứu một ngân hàng, trên thị trường mở tuần từ 27/3 - 31/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chào thầu 25.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 5,5% song không có khối lượng trúng thầu...
Diễn biến này tiếp tục kéo dài sang phiên giao dịch đầu tháng 4/2023, bất chấp động thái nâng kỳ hạn bơm tiền từ 28 ngày lên 35 ngày của NHNN với định hướng cung ứng thanh khoản dài hạn hơn cho hệ thống ngân hàng.
Sở dĩ các ngân hàng không mặn mà với kênh cho vay của NHNN trên thị trường mở là do lãi suất liên ngân hàng VND đã giảm đáng kể.
Kể từ sau khi NHNN kích hoạt 2 đợt giảm lãi suất điều hành ngày 14/3/2023 và gần đây nhất là 31/3/2023, các ngân hàng hạn chế vay vốn trên thị trường mở.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã giảm mạnh so với trung tuần tháng 3, với mức lãi suất trung bình của kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần giảm từ 3-5%, lần lượt về mức 1,12%/năm, 1,68%/năm và 3,03%/năm tại ngày 31/3/2023.
Diễn biến giảm của lãi suất liên ngân hàng cùng việc các ngân hàng không quá mặn mà với kênh cho vay của NHNN cho thấy trạng thái thanh khoản dồi dào ở hệ thống ngân hàng.
Lãi suất còn giảm
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã mua 4 tỷ USD trong quý I, đồng nghĩa bơm tiền ra, giúp hệ thống hiện nay dồi dào thanh khoản...
Theo báo cáo của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế quý I chỉ đạt 2,06% so với cuối năm 2022, mức tăng thấp nhất 3 năm.
Giới phân tích đánh giá quyết định cắt giảm lãi suất của NHNN là động thái phù hợp để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp, tăng trưởng GDP chậm và lạm phát trong tầm kiểm soát.
Theo giới phân tích trong và ngoài nước, NHNN có thể sẽ tiến hành thêm những đợt cắt giảm lãi suất trong quý II sau khi cân nhắc các yếu tố như chỉ số giá cả trong nước và diễn biến tăng trưởng trên toàn cầu.
Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và các thị trường toàn cầu của Ngân hàng UOB (UOB Global Economics & Markets Research) đưa ra báo cáo nhận định về việc NHNN cắt giảm các lãi suất chính sách. Một động lực khác cho các quyết định cắt giảm lãi suất là do tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I của Việt Nam bất ngờ giảm xuống mức 3,32% so với cùng kỳ năm trước từ 5,92% trong quý IV/2023.
Về tỷ giá, các chuyên gia của UOB cũng đánh giá, bất chấp những thay đổi đáng kể trong kỳ vọng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như tình trạng rối loạn của hệ thống NH Mỹ, đồng VND giao dịch trong biên độ hẹp 0,8% quanh mức 23.600 đồng/USD.
Sau khi giảm lãi suất điều hành lần 2 trong năm 2023, tỷ giá trung tâm vẫn được NHNN niêm yết ổn định quanh mức 23.600 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay ở mức 24.780 VND/USD; và tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.450 VND/USD.
Trên thị trường thế giới, đồng USD đã giảm chạm đáy, xuống mức thấp nhất trong hai tháng vào phiên giao dịch sáng nay 5/4.
UOB tiếp tục cho rằng NHNN có thể giảm tổng cộng 1% trong quý II này. “NHNN có thể sẽ tiến hành thêm những đợt cắt giảm lãi suất một cách thận trọng và cân nhắc đến chỉ số giá cả trong nước và diễn biến tăng trưởng trên toàn cầu”- UOB phân tích.
Công ty CP Chứng khoán VNDirect cũng kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục giảm trong phần còn lại của năm 2023. Lý do là nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm, Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và NHNN có thể giảm thêm lãi suất điều hành nếu Fed đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2023
Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam và dự báo trong năm 2023 - 2024 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nhấn mạnh, một trong 3 đột phá để giúp GDP Việt Nam đạt 6,5% là Việt Nam chuyển hướng sang chính sách nới lỏng. Sức ép lạm phát giảm dần, sức ép lên tỷ giá cũng giảm dần. Trong điều kiện đó, NHNN chuyển sang nới lỏng, quyết định hạ lãi suất. Theo ADB, đây là biện pháp rất hợp lý và sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng rất mạnh.