Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ công khai kế hoạch di chuyển, chặt hạ cây xanh trên các tuyến phố

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP sẽ công bố công khai kế hoạch di chuyển, chặt hạ cây xanh trên các tuyến phố.

Sáng 23/6, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội (đơn vị bầu cử số 2) gồm các đại biểu Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Quang Tuấn, Trần Thị Phương Hoa có buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hai Bà Trưng sau kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XIV.
Buổi tiếp xúc có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung dự và giải đáp các ý kiến cử tri nêu về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của TP.
Tại buổi tiếp xúc, trao đổi với các cử tri xung quanh ý kiến về vấn đề cây xanh, môi trường, đô thị Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, những năm qua, đặc biệt đầu năm 2016, thực hiện Nghị quyết 16 của Đảng bộ TP Hà Nội, Ban cán sự UBND TP Hà Nội xây dựng kế hoạch trong 5 năm, từ 2016 đến 2020 Hà Nội xây thêm 25 công viên, trong số các công viên trên đào 25 hồ, hiện nay thực hiện được 4 hồ.
  Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giải đáp ý kiến cử tri nêu về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của TP.
Vấn đề cây xanh, Chủ tịch cho biết đến thời điểm 31/12/2015, tính trung bình một người dân Hà Nội có 6,7 – 6,8 m2 cây xanh/người. Theo tinh thần Nghị quyết 16 của Đảng bộ TP Hà Nội, đến năm 2020 đạt diện tích cây xanh từ 10-11m2/người.
Trả lời về vấn đề dặt ra: mục tiêu này khả thi không? - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, TP Hà Nội đưa ra chương trình trồng 1 triệu cây xanh, từ 1/1/2016 đến nay đã trồng được 320.000 cây xanh. Các địa điểm trồng cụ thể: trồng bổ sung ở các công viên xây dựng mới; trồng tại các trường học; trồng bổ sung ở các tuyên phố trong nhiều năm qua bị đổ, mục nát nhưng chưa trồng bổ sung; trồng trên các tuyến đường xây dựng mới; khuyến khích người dân trồng tại khuôn viên nhà riêng, tại các cơ quan làm việc...
Theo tính toán của các nhà khoa học, trồng sau 1 năm diện tích cây xanh đạt 1,5 – 2m2/người, sau 3 năm đạt 6-8m2/người, sau 5 năm đạt 12-15m2/người, sau 7 năm đạt 18-22m2/người. Trồng 1 triệu cây xanh, trong vòng 5 năm nữa Hà Nội sẽ có thêm 15-18 triệu m2 cây xanh, với số dân 7,5 triệu như vậy sẽ tăng thêm 2,5-2,7m2/người, lúc đó có thể đạt được mục tiêu 10m2 cây xanh/người.
Theo các nhà khoa học trên thế giới tính toán, nếu diện tích cây xanh đạt 9m2/người thì nhiệt độ của TP đó giảm 1-1,5 độ C trong những ngày nắng nóng nhất. Đồng thời, khi trồng cây xanh như vậy cũng sẽ có tác dụng làm giảm ô nhiễm môi trường.
Về vấn đề cắt hạ cây xanh, Chủ tịch cho rằng, trong quá trình phát triển một thành phố, Thủ đô, rộng hơn là một quốc gia không thể tránh khỏi việc đôi khi phải di chuyển hoặc chặt hạ cây xanh đã trồng.
Bởi những cây xanh đóvào quy hoạch mở rộng tuyến đường nên đôi khi giữa vấn đề phát triển kinh tế, mở rộng đường giảm ùn tắc giao thông, buộc phải chấp nhận chặt đi những cây đủ tuổi, hoặc quá già.
Vừa qua báo chí có nêu vấn đề về 1.300 cây xà cừ ở đường Phạm Văn Đồng, lãnh đạo TP rất cân nhắc trong việc gìn giữ cây xanh, phát triển. Quy hoạch đường vành đai 3 hiện nay chỉ còn đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long mở rộng để tránh ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, phải mởi rộng thì Bộ Giao thông Vận tải mới có thể thi công đường trên cao. Đây là tuyến đường dùng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản, đến ngày 31/7, nếu không thi công, phía Nhật Bản sẽ rút vốn.
Qua khảo sát thấy rằng, trên tuyến đường này đã được quy hoạch từ năm 1992, trên tuyến đường có một số cây xà cừ được trồng từ trước năm 1992. Còn lại, đa số cây xà cừ được trồng từ năm 1992-1996, có độ tuổi từ 25 - 28 năm.
“Qua việc chúng tôi làm việc với các nhà khoa học, chúng tôi có thể khẳng định những cây xà cừ này không thể trồng lại trên tuyến phố nào của Hà Nội. Bởi khi trồng lại trên vỉa hè phải đào hố đường kính rộng 3m, sâu 1,5m. Hiện nay, ở Hà Nội không một tuyến phố nào có thể trồng lại những cây này, kể cả ở công viên cũng không thể trồng mỗi loại xà cừ, còn phải trồng nhiều loại cây khác”, Chủ tịch cho biết.
Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, TP Hà Nội lên kế hoạch, cố gắng cao nhất đánh chuyển những cây thẳng, còn có khả năng phát triển, còn những cây cong, không phát triển sẽ tính toán chặt hạ để bán gỗ, tính hiệu qủa kinh tế cao nhất.
Theo tính toán, nếu đánh chuyển một cây chi phí từ 25-40 triệu đồng, trong khi trồng mới cây xanh đường kính 20-25cm thì chỉ có 3,2 triệu/ cây. So sánh số tiền để di chuyển 1.300 cây xà cừ, có thể trồng 15.000 – 18.000 cây mới, có giá trị cao hơn.
“Thời gian tới, sau khi Hà Nội có kế hoạch cụ thể, sẽ công bố công khai kế hoạch di chuyển, chặt hạ cây trên các tuyến phố”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết.