Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ công khai ngay kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm nay, ngày 10/6, Quốc hội bắt đầu tiến hành hoạt động quan trọng trong kỳ họp này là lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nghị quyết về kết quả lấy phiếu sẽ được công bố vào ngày 11/6.

Trao đổi với báo chí về công tác chuẩn bị cho việc tiến hành lấy phiếu tin nhiệm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đã hoàn tất. Đây là lần đầu tiên sau 69 năm Quốc hội mới tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, chắc chắn sẽ phải rút kinh nghiệm dần dần, lần sau chắc sẽ tốt hơn.

Sẽ công khai ngay kết quả lấy phiếu tín nhiệm - Ảnh 1
 
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 8/6.Ảnh: Nguyễn Hưng
 
Nhiều ý kiến còn e ngại về tình trạng "vận động tín nhiệm". Liệu điều đó có thể xảy ra không, thưa ông?

- Tôi cũng chưa nhận được bất kỳ một ý kiến nào góp ý hay phản ánh với UBTVQH về việc này. Tôi là người sẽ được đánh giá tín nhiệm và cũng sẽ tiến hành đánh giá tín nhiệm các chức danh khác, tôi cho rằng ai làm thế sẽ tự đánh mất uy tín của chính mình. Người đánh giá tín nhiệm là các ĐBQH, đại diện của nhân dân, cầm lá phiếu họ sẽ phải suy nghĩ, thể hiện trách nhiệm cao nhất của mình. Qua tiếp xúc cử tri, tôi đã ghi nhận nhiều tâm tư nguyện vọng của người dân; nghiên cứu rất kỹ báo cáo của các thành viên Chính phủ, các chức danh được lấy phiếu. Theo tôi, tiêu chí đầu tiên để đánh giá tư lệnh một ngành là hoàn thành nhiệm vụ và phẩm chất đạo đức cũng phải song song.

Ông có cho rằng, việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trước khi trả lời chất vấn là quy trình "ngược"?

- Vì kỳ này chỉ 4 Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời, còn các Bộ trưởng đã trả lời các kỳ trước hay chưa lần nào trả lời chất vấn thì sao? Tốt nhất làm trước để công bằng cho tất cả những người được đưa ra lấy phiếu.

Vậy quy trình tiến hành và việc công bố kết quả sẽ diễn ra thế nào, thưa ông?

- Quy trình tiến hành đương nhiên là công khai, báo chí sẽ được chứng kiến ngay từ lúc tiến hành bỏ phiếu cho đến khi công bố kết quả. Kết quả sẽ được công bố theo mức độ: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, cụ thể từng phiếu, từng loại, có thế nào thì ghi như thế. Nếu kết quả thấp dưới 50% qua hai lần lấy phiếu tín nhiệm thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, việc này đã được quy định rõ trong Nghị quyết của Quốc hội. Tôi không lo ngại kết quả sẽ "hòa cả làng" như nhiều ý kiến. Cái chính là đánh giá kết quả chính xác chứ không phải cứ ra kết quả nhiều người thấp mới là tốt, là khách quan.

Xin cảm ơn ông!

Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN&NĐ của Quốc hội Đào Trọng Thi: Tín nhiệm thấp nên từ chức

Tôi nghĩ phải đầu tư công sức, nghiên cứu kỹ về người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để kết quả lấy phiếu tín nhiệm thực sự công tâm, khách quan. Nếu trong lần lấy phiếu tín nhiệm này, có một số đại biểu không đạt được số phiếu tín nhiệm thì có thể xin từ chức. Tôi nghĩ việc làm này sẽ mở ra văn hóa từ chức ở Việt Nam mà lâu nay, nhiều người còn e dè, không bao giờ nghĩ tới. 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son: Không phải vì lấy phiếu tín nhiệm mới phấn đấu
 
Nhà nước và nhân dân đã giao cho trọng trách thì càng phải phấn đấu tốt hơn nữa để sao cho xứng đáng. Từ khi đảm nhận nhiệm vụ phải luôn có ý thức rèn luyện chứ không phải vì lấy phiếu tín nhiệm mới phấn đấu. Nếu ai đó không đủ tín nhiệm, hoặc tín nhiệm thấp thì cũng là một dịp để thấy mức độ mình như thế, phấn đấu, rèn luyện như thế chưa đạt và cần cố gắng. Hoặc nếu đạt được rồi thì tiếp tục duy trì phát triển.