Theo đó, dự thảo Nghị định sẽ quy định những điều kiện, nguyên tắc đánh giá phân loại đô thị một cách cụ thể nhất. Theo Điều 5, chương 1 của Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 42/2009/NĐ-CP, việc đánh giá phân loại đô thị, phân cấp quản lý đô thị và mở rộng địa giới đô thị phải căn cứ vào quy hoạch xây dựng đô thị được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Các khu điều chỉnh mở rộng địa giới phải được đầu tư xây dựng đạt được những tiêu chuẩn về phân loại đô thị.
Việc phân loại đô thị được tiến hành sau khi có quyết định điều chỉnh mở rộng địa giới và khi đô thị đó đã đạt được các tiêu chuẩn cơ bản về phân loại đô thị. Đối với khu vực dự kiến hình thành đô thị mới phải có quy hoạch xây dựng đô thị được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và đã được đầu tư xây dựng về cơ bản đạt tiêu chuẩn phân loại đô thị. Ngoài ra, việc công nhận loại đô thị được tiến hành sau khi có quyết định thành lập đô thị mới và khi đô thị đó đã đạt được các tiêu chuẩn cơ bản về phân loại đô thị. Trường hợp đặc biệt theo yêu cầu lãnh thổ, chủ quyền quốc gia hoặc phát triển kinh tế - xã hội, việc quyết định cấp quản lý hành chính của một khu vực có thể được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định trước khi khu vực đó được đầu tư xây dựng đạt được những tiêu chuẩn cơ bản về phân loại đô thị.
Trước tốc độ phát triển rất nhanh của hệ thống đô thị Việt Nam thì những quy định pháp lý về phân loại đô thị đóng vai trò vô cùng quan trọng, ngăn chặn tình trạng “đô thị mọc lên tràn lan”. Để công tác quản lý đô thị, cũng như đảm bảo cho sự phát triển bền vững của hệ thống đô thị Việt Nam thì các quy định về phân loại đô thị phải được xây dựng chặt chẽ, thống nhất.
Ảnh minh họa.
|
Việt Nam hiện có 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM; 10 đô thị loại I; 12 đô thị loại II; 47 đô thị loại III; 50 đô thị loại IV và 634 đô thị loại V. Hệ thống đô thị trung tâm các cấp được phân bổ hợp lý trong từng vùng và hệ thống đô thị cả nước. |