Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ đưa lễ hội vía Bà Thiên Hậu Bình Dương lên mạng xã hội

Duy Chí
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đáp ứng lòng mong đợi của người dân, lần đầu tiên Ban Quản trị miếu Bà sẽ "đưa lễ hội vào túi du khách", thông qua hình thức live stream trên nền tảng mạng xã hội.

Giảm người đến viếng trực tiếp

Đã thành thông lệ, cứ sau lễ đón Giao Thừa, cư dân vùng Đông Nam Bộ nói chung và Bình Dương nói riêng thường đưa nhau đến chùa lễ Phật… Trong đó chùa (miếu) Bà Thiên Hậu Bình Dương là một trong những điểm đến vừa mang tính văn hóa vừa gắn liền với tín ngưỡng, tâm linh.

Chính điện miếu Bà Thiên Hậu Bình Dương sáng mùng 6 Tết Nhâm Dần.
Chính điện miếu Bà Thiên Hậu Bình Dương sáng mùng 6 Tết Nhâm Dần.

Lễ hội vía Bà Thiên Hậu Bình Dương hằng năm thu hút hàng trăm ngàn du khách thập phương đến chiêm bái, dâng hương. Cao điểm là khuya ngày 14 và sáng ngày Rằm tháng Giêng (15/1 âm lịch) với lễ rước kiệu (cộ) Bà du xuân qua các tuyến phố chính của trung tâm TP Thủ Dầu Một.

Ông Trần Vĩnh An - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự miếu Bà Thiên Hậu Bình Dương cho biết, miếu Bà Thiên Hậu Bình Dương là di tích lịch sử, theo quy định của luật thì đến kỳ lễ hội Ban Quản trị di tích không cần xin phép mà chỉ phải trình lên chính quyền địa phương chương trình lễ hội, kế hoạch tổ chức, chương trình hoạt động, dự kiến số lượng người đến tham quan, phương án bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy…

"Dù quy định pháp luật đã rõ, nhưng chúng tôi là những người được nhân dân tín nhiệm, giao nhiệm vụ tổ chức hoạt động, gìn giữ, bảo vệ di tích lịch sử, nét đẹp văn hóa dân tộc, chúng tôi phải tuân thủ các quy định cũng như chỉ đạo của chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở" - ông Trần Vĩnh An nói.

Theo ông Trần Vĩnh An, 2 năm qua (2020 - 2021) hoạt động lễ hội vía Bà Bình Dương phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trở lại trạng thái bình thường mới, nhất là dịp đầu xuân, chắc chắn lượng du khách thập phương đến tham quan, thắp hương lễ Bà sẽ tăng so với bình thường.

"Thấy được điều này, Ban Quản trị chúng tôi đã chủ động lập kế hoạch, thông báo rộng rãi lên website, fanpage về yêu cầu an toàn phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe bản thân. Trước tiên là giảm các đoàn lân, sư rồng từ các địa phương đến biểu diễn, cúng Bà để giảm mật độ người đến xem và cổ vũ. Du khách ở xa, đi lại khó khăn, tạm thời ở tại nhà thắp hương lễ Bà và Ban Quản trị chúng tôi sẽ cố gắng đưa tất cả hình ảnh, hoạt động lễ hội vào tận túi mỗi du khách qua hình thức truyền hình trực tuyến" - ông An chia sẻ.

Live stream trên mạng xã hội

Trao đổi với phóng viên, ông Âu Văn Bình - Trưởng ban Tổ chức lễ hội thuộc Ban Trị sự miếu Bà Bình Dương cho biết: “Lễ hội năm nay sẽ khác những năm trước là ngưng rước kiệu Bà, nhưng được truyền hình trực tiếp, live stream trên mạng xã hội phục vụ người dân trong và ngoài nước với lời cầu chúc khỏe mạnh, cùng nhau vượt qua đại dịch".

Ông Âu Văn Bình - Trưởng ban Tổ chức lễ hội thuộc ban Trị sự miếu Bà Bình Dương.
Ông Âu Văn Bình - Trưởng ban Tổ chức lễ hội thuộc ban Trị sự miếu Bà Bình Dương.

Cũng theo ông Âu Văn Bình, lễ hội vía Bà Bình Dương đã trở thành truyền thống văn hóa và tín ngưỡng dân gian, dù hoàn cảnh khó khăn như thế nào Ban Trị sự cũng phải tìm cách để tất cả người dân, du khách thập phương, nhà nghiên cứu văn hóa trên mọi miền đất nước, đồng bào ta ở nước ngoài đều được thỏa mãn nguyện vọng.

"May mắn của chúng ta lúc này là công nghệ thông tin đã được phổ thông hóa. Gần như 100% người trưởng thành đều sử dụng điện thoại thông minh, biết sử dụng internet và mạng xã hội. Nên Ban Quản trị miếu Bà Bình Dương sẽ phối hợp với đơn vị tổ chức sự kiện, thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp, live stream trên mạng xã hội, fanpage phục vụ du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là trước yêu cầu phải hạn chế đi lại, tránh tập trung đông người và phòng chống dịch bệnh" - ông Âu Văn Bình nói.

Được biết, đã từ lâu lễ hội vía Bà Bình Dương đã thực hiện và duy trì hình thức “Lễ hội không đồng”, phục vụ du khách gần xa từ nước uống, khăn lạnh, khẩu trang đến bơm vá xe…