Sẽ khởi kiện vụ làm giả rượu San Lùng
KTĐT - Tin từ Cục Cảnh sát Môi trường cho biết, ngày 2/2, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ hàng trăm thùng phuy rượu đang được tiến hành đóng chai mang nhãn hiệu rượu đặc sản San Lùng (Shanlungo). Cơ sở sản xuất không xuất trình được bất cứ một loại giấy tờ gì liên quan đến nguồn gốc và nhiên liệu sản xuất...
Cơ sở sản xuất bị kiểm tra là Công ty Cổ phần gỗ pơmu và sản xuất rượu San Lùng Shanlungo, ở địa chỉ 162, tổ 14, thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội.
Quá trình kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành (gồm Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C36), Phòng PC36 - Công an TP Hà Nội, Đội QLTT số 6 - Chi Cục QLTT Hà Nội) phát hiện, số rượu San Lùng trên gồm 595 thùng rượu các loại, tương đương 9258 chai, theo chủ cơ sở khai có giá trị khoảng gần 300 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, có 5 công nhân đang tiến hành việc chiết, rót rượu từ các thùng phuy lớn vào chai rồi dán nhãn mác ghi rượu Shanlungo.
Theo lời bà Vũ Hà Phương, trợ lý Giám đốc công ty thì công thức sản xuất rượu là cành cây mật gấu được ngâm với rượu trắng trong các thùng phuy lớn. Rượu này được để 2 - 3 tháng, thành dung dịch đặc, sau đó được pha loãng với rượu nấu, cuối cùng chiết xuất bằng ra các chai nhỏ bằng phương pháp thủ công (tay).
Tại thời điểm kiểm tra, đại diện công ty không xuất trình được Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, Giấy chứng nhận VSATTP, Giấy phép sản xuất rượu, Bản công bố chất lượng sản phẩm, Bản đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, Biên bản cam kết bảo vệ môi trường, Chứng nhận tập huấn ATVSTP cho người lao động và các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc nhiên liệu sản xuất.
Trước những chứng cứ của việc cố tình sản xuất hàng kém chất lượng thuộc danh mục hàng nhậy cảm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đoàn kiểm tra liên ngành đã tạm giữ 150 thùng sản phẩm, 1000 vỏ chai chưa sử dụng, 100kg nhãn mác hàng hóa các loại, 2500 nút chai nhôm để đóng nắp rượu và niêm phong toàn bộ số rượu còn lại, tạm thời đình chỉ việc sản xuất của công ty.
Ngoài cơ sở tại thị trấn Cầu Diễn, công ty CP gỗ Pơmu và rượu San Lùng còn đang sản xuất mặt hàng rượu trên tại một chi nhánh Miền Nam ở số 492, Lạc Long Quân, Phường 5, Quận 1, TPHCM. Cục Cảnh sát Môi trường đã thông báo cho chi nhánh của Cục tại TPHCM để tiến hành phối hợp kiểm tra cơ sở này.
Sẽ khởi kiện
San Lùng là tên của sản phẩm rượu đã trở thành thương hiệu được bảo hộ bản quyền của Công ty Du lịch Lào Cai, nay là Công ty Cổ phần Du lịch Dầu khí Sa Pa.
Rượu San Lùng đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và có giấy chứng nhận số 46828 do Cục Sở hữu công nghiệp cấp từ tháng 5/2003.
Trao đổi với PV, ông Đàm Ngọc Vang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Dầu Khí Sa Pa cho biết, ông vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ các cơ quan chức năng về vụ vi phạm nói trên. Tuy nhiên, ông Vang khẳng định, Công ty không hề có bất cứ một cơ sở sản xuất rượu San Lùng nào, cũng như không hề có một đại lý bán rượu San Lùng nào ở Hà Nội.
Ông Vang cũng cho biết, chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây, Công ty cổ phần Du lịch Dầu Khí Sa Pa đã nhận được thông báo về 3 vụ làm giả rượu San Lùng. Lần gần đây nhất là vụ sản xuất giả tại phường Dịch Vọng (Hà Nội). Ngay sau khi được thông báo, ông Vang đã xuống Hà Nội và cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan cho các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, ông Vang cũng cho biết, cả 3 vụ việc trên, Công ty đều đã làm đơn khởi kiện các cơ sở làm giả rượu San Lùng. Như vậy, với việc sản xuất giả số lượng lớn rượu San Lùng kể trên, công ty CP gỗ Pơmu và rượu San Lùng chắc chắn sẽ phải "hầu toà" trong nay mai.
Theo ông Vang, rượu San Lùng thật có độ trong suốt vì được chưng cất khoa học và có mùi thơm đặc trưng của nếp nương, còn rượu San Lùng giả thường đục, hoặc có màu, mùi vị lạ. Vì vậy, khách hàng nên thận trọng để tránh mua phải rượu giả, gây thiệt hại về kinh tế và còn có nguy cơ gây ngộ độc cao.