Theo Đề án thành lập Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) Việt Nam ban hành theo Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ, SGDCK Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Đa số ý kiến cho rằng quy định như dự thảo Luật về thực chất vẫn duy trì 2 công ty con (là SGDCK Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) hoạt động cùng một ngành nghề, với chức năng, nhiệm vụ tương tự nhau là không hợp lý và đi ngược với xu thế chung của thế giới. Mặt khác, thời gian qua mô hình công ty mẹ - công ty con cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại hạn chế.
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc tổ chức SGDCK Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - công ty con vừa phát sinh thêm đầu mối trung gian là SGDCK Việt Nam, vừa gây bất cập, chồng chéo đối với công tác quản lý, giám sát 2 SGDCK Hà Nội và TP Hồ Chí Minh của cơ quan nhà nước do phải chỉ đạo thông qua công ty mẹ là SGDCK Việt Nam. Điều này không bảo đảm việc chỉ đạo giám sát kịp thời đối với hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK), đặc biệt trong các trường hợp xảy ra các biến động cần có sự can thiệp ngay để bảo đảm an toàn của thị trường.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang triển khai mạnh mẽ trong lĩnh vực chứng khoán, việc tổ chức TTCK phân định theo khu vực địa lý không còn phù hợp với xu thế phát triển. Vì vậy, việc luật hóa quy định về thành lập thống nhất một đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán (chỉ có duy nhất SGDCK Việt Nam, đặt tại trung tâm tài chính quốc gia) là cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm chi phí quản lý, tăng hiệu quả hoạt động, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh chứng khoán.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu mô hình tổ chức SGDCK cho phù hợp. Đồng thời, rà soát, thể hiện rõ trong Luật vai trò, trách nhiệm của UBCKNN trong quyết định các vấn đề liên quan đến nhân sự, Điều lệ hoạt động của SGDCK, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý TTCK.
Cân nhắc nâng vốn điều lệ công ty đại chúng từ 10 - 30 tỷ đồng
Dự thảo đưa ra ý kiến phương án về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng.
Thứ nhất: Cần nâng điều kiện về mức vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng để phù hợp với quy mô TTCK hiện tại và nâng cao chất lượng của các công ty đại chúng; loại ý kiến thứ 2 cho rằng, quy định tăng vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng sẽ hạn chế quyền huy động vốn của doanh nghiệp.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế tán thành với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng việc nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng là cần thiết để nâng cao chất lượng, sự ổn định của cổ phiếu đưa vào TTCK và phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như quy mô TTCK hiện tại.
Mặt khác, với tính chất phức tạp và rủi ro của TTCK, quy định nâng mức vốn điều lệ sẽ hạn chế những rủi ro cho các doanh nghiệp có khả năng tài chính còn thấp khi tham gia vào thị trường.
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện tại có 81,04% công ty đại chúng có mức vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, do đó việc tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng sẽ chỉ tác động đến khoảng 18% các công ty đại chúng đang hoạt động.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của điều Luật, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn nữa cơ sở của việc đưa ra đề xuất về mức vốn trên, đồng thời đánh giá đầy đủ tác động về kinh tế, xã hội của quy định này đối với các đối tượng liên quan.
Một số ý kiến nhất trí với loại ý kiến thứ hai và cho rằng, hiện nay hơn 98% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa với mức vốn trung bình khoảng 11 tỷ đồng. Việc quy định tăng mức vốn điều lệ như dự thảo Luật sẽ là rào cản đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu huy động vốn trên TTCK.
Về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Có ý kiến cho rằng theo quy định tại dự thảo Luật thì nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không biết rõ được quy định về tỷ lệ mà mình được quyền sở hữu trên TTCK là bao nhiêu.
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư hiện hành quy định về các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng lại không quy định về tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn thiếu niềm tin để tham gia và đẩy mạnh đầu tư trên TTCK Việt Nam.
Ủy ban Kinh tế thấy rằng, dự thảo Luật cần quy định nguyên tắc đối với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để tạo sự minh bạch và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư khi tham gia thị trường. Trên cơ sở đó, giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết để triển khai thực hiện.
Ngoài ra, trên TTCK giao dịch mua bán chứng khoán diễn ra liên tục trong ngày và có thể ngay lập tức làm thay đổi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư, cũng như tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình thêm về biện pháp kỹ thuật để quản lý giao dịch chứng khoán phù hợp với Luật Đầu tư.