Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập bằng sử dụng công nghệ số, dữ liệu số

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều 15/11, tại phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Trong đó, chỉ rõ những vấn đề cần tập trung thực hiện trong các lĩnh vực xây dựng, thông tin- truyền thông, nội vụ, thanh tra.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 15/11
Các đại biểu Quốc hội dự phiên bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 15/11

Sớm ban hành và triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Trong đó, về lĩnh vực xây dựng, Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm hoàn thành phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch thành phố, quy hoạch chung đô thị của 05 thành phố trực thuộc trung ương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất.

Nâng cao năng lực quản lý đô thị, sớm có giải pháp khắc phục những bất cập, bảo đảm tính đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các thành phố lớn, đặc biệt là tình trạng ngập úng, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, chậm bàn giao hạ tầng các dự án nhà ở, khu đô thị, thiếu trường học, bệnh viện,...

Khẩn trương hoàn thiện pháp luật quản lý, điều chỉnh lĩnh vực bất động sản, nhà ở, nhất là Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5.

Đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, cân bằng; tăng tỷ trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đảm bảo chất lượng nhà ở tái định cư. Có chính sách thu hút, tạo nguồn vốn trung, dài hạn cho thị trường bất động sản.

Kiểm soát chặt chẽ việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán... Quản lý chặt chẽ, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực thiếu hệ thống hạ tầng hoặc chưa được phép đầu tư....

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Nghị quyết tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Nghị quyết tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Có biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho thị trường hoạt động thông suốt, chất lượng, không để xảy ra tình trạng “bong bóng” bất động sản, ngăn chặn đầu cơ, đẩy giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường, trục lợi bất hợp pháp.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhất là vi phạm trong hoạt động giao dịch, huy động vốn kinh doanh bất động sản.

Sớm ban hành và thực hiện hiệu quả Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.

Chỉ đạo các địa phương rà soát, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở, quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo quy định. Xác định danh mục trụ sở, cơ sở cần phải di dời, lộ trình, biện pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời khỏi nội đô TP Hà Nội….

Hạn chế tối đa tình trạng tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác”.

Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi số. Thúc đẩy phát triển, khai thác dữ liệu số, dịch vụ số, nền tảng số Việt Nam; tăng cường đầu tư, xây dựng hạ tầng số, nền tảng số để thực hiện chuyển đổi số.

Sớm ban hành và triển khai hiệu quả Đề án tăng cường, nâng cao năng lực chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương. Năm 2025, hoàn thành 100% các cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai để phục vụ phát triển Chính phủ số, chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. 

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đẩy nhanh thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025. Khẩn trương hoàn thiện pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tên miền, nội dung giải trí trên không gian mạng. Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới, nhất là mạng xã hội.

Tích cực phối hợp thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Có chính sách đẩy mạnh phát triển mạng xã hội trong nước, xây dựng văn hóa mạng lành mạnh, định danh người sử dụng. Rà soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động hậu kiểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. Trong năm 2023, tập trung giải quyết cơ bản và chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp.

Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý báo chí, tăng cường thông tin kịp thời, khách quan, tích cực, hấp dẫn trên báo chí, phát huy tốt hơn nữa vai trò, hiệu quả tuyên truyền của báo chí trên không gian mạng.

Xử lý triệt để SIM không chính chủ; tiếp tục chủ động có các giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tối đa tình trạng tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác”. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về các rủi ro khi sử dụng SIM “rác”, phát tán tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác”.   

Năm 2026, giảm ít nhất 5% biên chế công chức, 10% biên chế sự nghiệp

Đối với lĩnh vực nội vụ, đề nghị Chính phủ khẩn trương tham mưu thể chế hóa, thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Trong năm 2023, trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương, trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.

Quang cảnh Kỳ họp
Quang cảnh Kỳ họp

Đến năm 2026, giảm ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; khắc phục tình trạng giảm biên chế cơ học, cào bằng, bảo đảm bố trí biên chế phù hợp với từng loại hình, mô hình tổ chức bộ máy và từng địa bàn. Có giải pháp khắc phục tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc.

Khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong việc thực hiện Đề án; đẩy mạnh xã hội hóa một số dịch vụ công, nhất là trong các lĩnh vực có điều kiện. Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý cấp phát ngân sách nhà nước theo dự toán sang thanh toán theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ gắn với sản phẩm, chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

Năm 2023, hoàn thành Đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu, xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

Tiến tới chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập 

Đối với lĩnh vực thanh tra, khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra. Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản.

Bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền; chuyển danh sách tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra Đảng để xem xét xử lý theo quy định của Đảng.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số. Sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với Bộ, ngành trung ương làm cơ sở để thống nhất đánh giá đầy đủ, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. 

Tích cực tháo gỡ vướng mắc, chủ động phối hợp trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ, phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế…