TP Hồ Chí Minh:
Sẽ lựa chọn mô hình nhà thầu EPC khi xây dựng tuyến metro số 2
MAUR cho biết, quy định của Nghị quyết số 188/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt cho phép được áp dụng các hình thức chỉ định thầu đối với việc lựa chọn nhà thầu tư vấn, phi tư vấn, thi công. Trong đó có mô hình nhà thầu EPC (chìa khóa trao tay).

Để rút ngắn thời gian hoàn thành tuyến metro số 2, MAUR xác định một số gói thầu như: tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh, thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED) và đấu thầu; gói thầu EPC cho toàn Dự án... cần ưu tiên sử dụng tư vấn nước ngoài và liên danh tư vấn trong nước. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3, Điều 10 Nghị quyết 188/2025/QH15: “Đối với việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu các gói thầu EPC, gói thầu tư vấn sử dụng nhà thầu nước ngoài, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm cử đại diện tham gia Tổ thẩm định khi được cơ quan có thẩm quyền mời”.
Do vậy, MAUR kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản mời các Bộ gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cử đại diện tham gia Tổ thẩm định các gói thầu tư vấn sử dụng nhà thầu nước ngoài, nhà thầu EPC dự án metro số 2 ngay trong tháng 3/2025 để thực hiện thẩm định theo kế hoạch.

Dự kiến, các gói thầu nói trên sẽ bắt đầu thực hiện các công việc lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt hồ sơ dự toán từ cuối tháng 3/2025 để tuyển chọn và huy động các tư vấn trong tháng 5/2025.
Bên cạnh đó, công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh Dự án sẽ thực hiện vào đầu quý IV/2025, sau đó sẽ tuyển chọn nhà thầu EPC trong thời gian ngắn nhất.
Theo kế hoạch chi tiết do MAUR xây dựng, công tác làm thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án sẽ thực hiện đến cuối năm 2025.
Trong đó, dự kiến ngày 20/12/2025 sẽ khởi công gói thầu xây dựng chính hạ tầng ban đầu tại depot. Riêng gói thầu EPC (thiết kế, xây dựng, cung cấp thiết bị) cho toàn dự án sẽ khởi công vào tháng 4/2026.
Thời gian xây dựng dự kiến khoảng 4,5 năm, đến tháng 10/2030 sẽ hoàn thành, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2030.
Theo tiết kế, tuyến metro số 2 chiều dài hơn 11 km, được phê duyệt vào năm 2010 với tổng mức đầu tư ban đầu là 1,3 tỷ USD (tương đương 26.000 tỷ đồng).
Đến năm 2019, Dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 2,1 tỷ USD (gần 47.900 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay ODA chiếm 37.487 tỷ đồng từ ba nhà tài trợ chính là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).
Tuy nhiên, do việc thu xếp tài chính cho dự án gặp nhiều khó khăn vì thay đổi các điều kiện vay vốn từ các nhà tài trợ quốc tế nên TP Hồ Chí Minh đã quyết định chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách.

Hà Nội đề xuất 3 phương án xây dựng ga tàu điện ngầm C9
Kinhtedothi - Nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến khu dân cư, phố cổ và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt là hồ Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đề xuất 3 phương án xây dựng ga ngầm C9.

Tiếp tục đầu tư đường sắt đô thị, tàu điện ngầm quy mô lớn cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Kinhtedothi - Ngày 23/2, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai ký ban hành Kết luận số 72-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Metro Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành khai thác thương mại
Kinhtedothi - Sáng 22/12, BQL Đường sắt Đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR) và Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 (HURC1) tổ chức lễ công bố vận hành chính thức tuyến Metro Bến Thành -Suối Tiên. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng của TP.