Sẽ mời đại biểu Quốc hội đối thoại với người lao động trong Tháng Công nhân

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tháng Công nhân năm 2023 có chủ đề “Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức”. Điểm mới năm nay là Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ mời đại biểu Quốc hội gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người lao động để có những quyết sách đáp ứng tốt nhất cho người lao động.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thông tin về một số hoạt động trong Tháng Công nhân 2023
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thông tin về một số hoạt động trong Tháng Công nhân 2023

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Tháng Công nhân năm 2023 với chủ đề “Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức” và cũng là chủ đề năm công tác của Tổng LĐLĐ. Sau nhiều năm kéo dài dịch bệnh cùng với khó khăn kinh tế toàn cầu ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống người lao động, trong đó một bộ phận người lao động rời quan hệ lao động, rời tổ chức công đoàn. Hơn lúc nào hết, tổ chức công đoàn cần làm tốt kết nối người lao động để họ có việc làm, quay lại với tổ chức, có trách nhiệm tham gia xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh.

Đồng thời, thông qua các hoạt động, Tháng Công nhân, làm tốt hơn nữa công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động, tạo sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, chủ doanh nghiệp và toàn xã hội đối với giai cấp công nhân.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Tháng Công nhân năm 2023 có một số điểm khác so với những năm trước. Cụ thể, trước yêu cầu lắng nghe ý kiến người lao động trong việc tham gia xây dựng hệ thống pháp luật, trong đó có nhiều đạo luật liên quan đến người lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ mời đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri là người lao động trực tiếp. Tại các địa phương, LĐLĐ tỉnh, thành phố phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội với cử tri là công nhân viên chức lao động để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng.

Đại diện Ủy ban pháp luật của Quốc hội  trao quà cho công nhân lao động khó khăn trên địa bàn Hà Nội.
Đại diện Ủy ban pháp luật của Quốc hội  trao quà cho công nhân lao động khó khăn trên địa bàn Hà Nội.

Hiện nay, liên quan trực tiếp đến người lao động là Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật Nhà ở, trong đó với Luật Nhà ở có nội dung Tổng LĐLĐ Việt Nam rất quan tâm, các cấp công đoàn đang theo đuổi đề xuất chính sách để hình thành chế định pháp lý, tạo quyền về nhà ở cho công nhân theo tinh thần Hiến pháp. Với Luật BHXH liên quan đến nhiều đối tượng khi họ đang làm việc và kể cả khi nghỉ hưu, các vấn đề liên quan đến BHXH luôn là tâm điểm thu hút sự tranh luận, vì thế thông qua tiếp xúc của các vị đại biểu Quốc hội sẽ góp phần để đưa ra những quyết sách, phương án đúng đắn nhất có tính khả thi cao nhất, mang lợi ích tốt nhất cho người lao động...

Ngoài ra, Tháng công nhân năm 2023 diễn ra đồng thời với Đại hội công đoàn cơ sở nên có thể lồng ghép các hoạt động biểu dương người lao động có thành tích lao động sáng tạo; tổ chức diễn đàn "Cảm ơn người lao động", “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân”. Điều này sẽ làm cho Đại hội phong phú, gần gũi hơn với người lao động và tổ chức công đoàn kịp thời động viên, giải quyết các vấn đề người lao động quan tâm, bức xúc. Đặc biệt, quan tâm tham gia giải quyết tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu việc làm, giảm thu nhập của người lao động. Đề xuất các doanh nghiệp tìm giải pháp đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động một cách bền vững.

Trong Tháng Công nhân cũng diễn ra một số hoạt động như: Tổ chức Tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, giới thiệu đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp; Tổ chức chương trình “Mỗi công đoàn cơ sở, một lợi ích đoàn viên”; Hưởng ứng Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần