Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai:

Sẽ quyết định và quản lý tổng biên chế của toàn hệ thống chính trị

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Theo quy chế của Ban chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị sẽ quyết định và quản lý tổng biên chế của toàn hệ thống chính trị” - Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai cho biết.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022 do Ban Tổ chức T.Ư phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức diễn ra sáng 14/7, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai cho biết, theo quy chế của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị sẽ quyết định và quản lý tổng biên chế của toàn hệ thống chính trị.

Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Sắp tới, Trung ương sẽ tiếp tục triển khai những chủ trương, ban hành những văn bản mới nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng.Đơn cử, Bộ Chính trị sẽ thống nhất quản lý tổng biên chế của hệ thống chính trị cả nước.

Lâu nay, biên chế Chính phủ, Quốc hội do các đơn vị này quyết và Ban tổ chức Trung ương chỉ quản lý Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị, ban đảng cấp Trung ương; cấp huyện, cơ sở thì Chính phủ quyết. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này đang được tính toán, sắp xếp lại.

“Khoảng 1-2 tuần nữa có quyết định về vấn đề này. Một trong những vấn đề lớn đó là biên chế phải tập trung dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, tổng biên chế do Bộ Chính trị quyết định. Chủ trương lớn về biên chế cơ bản tiếp tục thực hiện theo các Nghị quyết đã ban hành, tức là vừa tinh giản, vừa cơ cấu lại đội ngũ"- Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho biết.

Đồng thời thông tin,  lần này Bộ Chính trị quyết định tiếp tục giảm biên chế 5% trong giai đoạn 2022-2026, nhưng không cào bằng; tiến tới toàn bộ biên chế được quyết định dựa trên chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm. 

Dẫn chứng như tại báo Nhân dân, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai cho biết, nếu báo vẫn giữ biên chế như trước sẽ không làm được nhiệm vụ hiện tại. Ban Tổ chức Trung ương cân nhắc để phù hợp với tổ chức của đơn vị này, vì trước đây chưa có truyền hình, báo điện tử. Cùng với tinh giản, sẽ dần tách hợp đồng khỏi biên chế, cho phép chi thường xuyên để trả hợp đồng để đáp ứng công việc cơ quan; phân cấp phân quyền mạnh hơn.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu T.Ư
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu T.Ư

Theo Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai, sắp tới đây, khi có văn bản chính thức về tổng biên chế, Thường vụ cấp ủy, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị sẽ được toàn quyền quyết định biên chế. Việc giao tương tự cấp ngân sách. Sau khi được giao số biên chế, các đơn vị sẽ tính toán từng nơi, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị. Địa phương quản lý biên chế toàn diện, không phân thành hai, ba nhánh như hiện nay. 

"Ban Thường vụ cấp ủy chịu trách nhiệm về toàn bộ số biên chế quản lý; chỗ nào tăng thêm, giảm đi hay giữ nguyên thì Ban Thường vụ hoàn toàn chịu trách nhiệm"- Trưởng Ban Tổ chức T.Ư thông tin. Đồng thời cho biết, năm 2026 sẽ cố gắng chuyển thêm một bước là biên chế được quyết định hoàn toàn dựa trên vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức. Khi nào làm được như vậy thì số biên chế mới chuẩn mực.

“Sắp tới sẽ có quy định về quản lý biên chế. Quy định được ban hành ra thì các cơ quan theo quy định mà làm. Người nào trách nhiệm đến đâu, làm gì, quản lý biên chế là làm những việc gì... sẽ được quy định để tạo thuận lợi trong triển khai. Đây là lần đầu tiên chúng ta thống nhất biên chế trong toàn hệ thống chính trị, ban hành quy định về quản lý biên chế” – Trưởng Ban Tổ chức T.Ư thông tin.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần