Sẽ sớm “khai tử” sóng 2G

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ tạo nhiều cản trở để triển khai những kết nối di động mạnh mẽ hơn như 4G/5G/6G mà 2G còn đang là công cụ để kẻ xấu sử dụng nhằm trục lợi từ người dùng di động.

Sóng 2G không còn phù hợp với công nghệ thông tin hiện tại. Ảnh: Đăng Khoa  
Sóng 2G không còn phù hợp với công nghệ thông tin hiện tại. Ảnh: Đăng Khoa  

Nhiều rào cản

Theo số liệu thống kê, tính tới cuối năm 2021, Việt Nam đang có khoảng hơn 123 triệu thuê bao di động, trong đó số lượng thuê bao sử dụng smartphone chiếm 75%, con số tăng mạnh so với 60% tại thời điểm 2018. Ở chiều ngược lại, những loại điện thoại cơ bản chỉ hỗ trợ 2G/3G đã giảm mạnh khi chỉ còn chiếm 25%, tương đương với khoảng hơn 25 triệu máy.

Việc loại bỏ của những loại điện thoại trên đang ngày càng đến gần khi Chính phủ và các nhà mạng đã có lộ trình rõ ràng về việc khai tử mạng 2G ở Việt Nam. Cùng với đó là nhiều biện pháp được đưa ra để giảm số lượng điện thoại chỉ sử dụng mạng 2G/3G dưới mức 5% nhằm tiến hành tắt sóng 2G, dự kiến sẽ đạt được vào cuối năm 2022.

Việc dừng hỗ trợ mạng 2G không phải là mới trên thế giới và cũng là giải pháp “không thể không thực hiện” đối với Việt Nam nếu như muốn đẩy mạnh phổ cập 4G cũng phát triển các công nghệ di động mới như 5G/6G.

Trên thực tế, việc thiếu băng tần để phát triển các mạng di động thế hệ mới luôn là bài toán nan giải của các nhà mạng từ nhiều năm nay. Điển hình là câu chuyện 4G chưa thực sự khai thác tối đa mà nguyên nhân một phần là do phải dùng chung băng tần 1.800 MHz với 2G. Theo tính toán, nếu toàn bộ băng tần trên được sử dụng hoàn toàn cho 4G, tốc độ mạng sẽ tăng thêm 25% so với hiện tại.

Đại diện một nhà mạng cũng cho biết, việc giải phóng băng tần để sử dụng cho 4G/5G không chỉ giúp nâng cao chất lượng mạng mà còn giúp nhà mạng thu hút được thêm khách hàng mới. Từ đó giảm thiểu chi phí đầu tư, qua đó góp phần giảm giá cước, đồng thời giúp khách hàng trải nghiệm trọn vẹn hơn các dịch vụ internet di động trên nền công nghệ mạng cao cấp hơn.

Không chỉ nằm ở câu chuyện băng tần, mạng 2G từ nhiều năm nay đã được coi là “miếng mồi ngon” đối với tội phạm viễn thông, đặc biệt là tình trạng phát tán tin nhắn rác và lừa đảo qua tin nhắn. Thông qua những lỗ hổng bảo mật trên mạng 2G, kẻ xấu có thể thực hiện phát tán số lượng tin nhắn rác lên tới 80.000 tin/ngày mà người dùng không có cách nào ngăn chặn triệt để. Bên cạnh đó việc giả mạo các cơ quan, ngân hàng … để thực hiện gửi tin nhắn giả mạo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng cũng rất dễ thực hiện thông qua việc khai thác mạng 2G.

Nói về tính bảo mật của 2G, chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Đình Hoàng cho rằng, đây là công nghệ xuất hiện từ những năm 1990 do đó các tiêu chuẩn bảo mật cũng như mã hóa không được chú trọng. Hơn thế nữa việc khai thác các lỗ hổng của 2G không hề phức tạp, chi phí lại thấp nên mạng này luôn được tin tặc tận dụng.

Cụ thể, tận dụng việc mã hóa yếu giữa trạm phát 2G và điện thoại của người dùng, tin tặc có thể tấn công bẻ khóa để thực hiện cuộc gọi đến, chặn cuộc gọi hoặc gửi tin nhắn SMS. Do trạm phát 2G không có tính xác thực với điện thoại nên bất kỳ ai cũng có thể tiến hành giả mạo các trạm này và người dùng cũng không có cách nào để phòng tránh triệt để. Tuy nhiên, đối với mạng 3G/4G/5G đã có cơ chế bảo mật để chống lại các phương thức tấn công tương tự.

“Hiện tại không có giải pháp nào thực sự hữu hiệu để bảo mật cho mạng 2G. Do đó nhiều hãng điện thoại lớn trên thế giới đã tích hợp thẳng tính năng tắt 2G vào sản phẩm của mình nhằm bảo đảm an toàn cho người dùng”- ông Nguyễn Đình Hoàng chia sẻ.

Dự kiến tắt 2G vào 2023

Nói về thời điểm tắt sóng 2G, mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự kiến Việt Nam sẽ ngừng hỗ trợ 2G vào năm 2023. Cùng với việc tắt sóng, nhà mạng sẽ hỗ trợ máy cầm tay cho các thuê bao 2G.

Về mặt chính sách, kể từ tháng 7/2021, khi Thông tư số 43/2020/TT-BTTTT về ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - Phần truy nhập vô tuyến” chính thức có hiệu lực, các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam sẽ bắt buộc phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên. Đây được đánh giá là biện pháp mạnh để giảm nhanh lượng điện thoại chỉ hỗ trợ 2G/3G nhập về Việt Nam.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý cũng có hàng loạt các biện pháp như Cục Tần số khẳng định không cấp lại tần số cho 2G khi giấy phép của các nhà mạng hết hạn vào năm 2024. Hay Cục Viễn thông sẽ có lộ trình giảm giá kết nối thoại, nhằm tạo sức ép cho nhà mạng không phụ thuộc nguồn thu từ kết nối thoại, phải chuyển sang kết nối dữ liệu.

Về phía người dùng, nhằm tạo điều kiện cho người nghèo và người có thu nhập thấp có khả năng tiếp cận smartphone hỗ trợ 4G trở lên các nhà mạng Viettel, VNPT cũng đã có phối hợp với nhiều nhà sản xuất nhằm cho ra đời các mẫu điện thoại thông minh giá rẻ có giá từ 500.000 đồng - 600.000 đồng, kèm theo các gói cước hỗ trợ người sử dụng chuyển đổi.

 

Việc tắt sóng 2G là không thể thay đổi, bởi đây là phương án nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt là phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam. Đây cũng sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần