Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết không còn đường lùi nữa nếu tiếp tục đầu tư dàn trải và kém hiệu quả. Ông Vinh yêu cầu các giải pháp thu gọn lại danh mục dự án và tập trung vốn cho những công trình hiệu quả, có thể hoàn thành sớm và phát huy tác dụng ngay. Như vậy, khả năng là sẽ có những dự án bị ngừng triển khai trong các năm tới. Báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây cho thấy, chỉ tiêu về vốn đầu tư từ ngân sách khá hẹp so với nhu cầu hiện tại. Với cân đối vốn đầu tư phát triển, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội trong kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 theo giá thực tế dự kiến khoảng 5.745 - 6.140 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 250 - 266 tỷ USD… Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 1.020 - 1.090 nghìn tỷ đồng, chiếm 18%, đầu tư từ trái phiếu Chính phủ dự kiến khoảng 225 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,9 - 4,1%... Trên thực tế, hiện các công trình, dự án nằm trong danh mục được phép triển khai trong giai đoạn 5 năm 2011 - 2015 đã dự kiến vốn vượt nhiều lần so với con số kế hoạch mà Chính phủ trình Quốc hội như nói ở trên. Chỉ ví dụ đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ trưởng Vinh cho biết, Nghị quyết Quốc hội trước đây quy định chỉ cho vay một số lĩnh vực tập trung, gồm có giao thông quan trọng và thuỷ lợi… Nay, số liệu liệu cập nhật đã lên đến 3.700 công trình với nhiều lĩnh vực được mở rộng. Theo ông Bùi Hà - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu triển khai hết các dự án trong danh mục thì cần huy động khoảng trên 500 nghìn tỷ đồng trái phiếu. So với kế hoạch phát hành chỉ khoảng 225 nghìn tỷ đồng, đã phát hành trong năm nay 45 nghìn tỷ đồng, vị chi 4 năm tới nguồn vốn trái phiếu sẽ chỉ còn được phát hành 180 nghìn tỷ đồng nữa. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư so sánh, với hơn 500 nghìn tỷ đồng nhu cầu đầu tư các ự án, dự kiến phát hành trái phiếu như kể trên chỉ tương đương với khoảng 1/3. “Thủ tướng cương quyết sẽ không phát hành thêm”, ông nhấn mạnh. Có nghĩa, khoảng 2/3 các công trình đang thi công dở dang và dự kiến triển khai trong giai đoạn 5 năm tới sẽ phải bỏ. Hoặc là đầu tư chia đều, cho mỗi nơi một tỷ, hai tỷ đồng, thì không nơi nào hoàn thành được…, ông Vinh lưu ý. Chia sẻ quan điểm này, Vụ trưởng Bùi Hà cho rằng: "Cần giảm ngay các dự án, hạn chế tối đa khởi công mới trong 5 năm tới". Một chỉ thị của Chính phủ sắp ban hành đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị. Theo đó, nhìn thẳng vào các bất cập trong phân cấp đầu tư, trong nguồn vốn... Thay đổi được tính đến là sẽ tập trung ưu tiên thu xếp vốn trái phiếu cho các công trình cấp thiết, có khả năng hoàn thành sớm và đem lại kết quả nhanh chóng… Với các dự án không nằm trong diện kể trên, phải chuyển sang hình thức đầu tư khác như dùng ngân sách nhà nước hoặc kêu gọi nguồn vốn đầu tư khác theo hình thức BOT, BT, PPP…; phương án 2 là tạm dừng đến hết năm 2015.