Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ thành lập Công ty điều hành V-League

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng qua, 29/9 tại khách sạn Crowne Plaza (Mỹ Đình, Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị "thượng đỉnh" qui tụ 28 ông bầu V-League, hạng Nhất và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) bàn về phương hướng mùa bóng tới cùa bóng đá Việt Nam (VN).

Theo thông báo của VFF, nội dung hội nghị các chủ tịch CLB về cơ bản chủ yếu để nghe các ông bầu nêu ý kiến bầu ra trưởng ban tổ chức các giải đấu mùa tới. Ban lãnh đạo VFF cũng thống nhất quan điểm: Giữ nguyên hệ thống điều hành giải như hiện nay.

Đây là một cuộc họp "ngoài kế hoạch" bởi không có việc này nếu không có "sự kiện bầu Kiên" tại lễ tổng kết mùa giải 2011, tiếp theo đó là cuộc gặp gỡ giữa các ông bầu. Trong lúc lãnh đạo VFF vẫn muốn việc đổi mới chỉ tạm thời dừng lại ở việc bầu ra một Trưởng Ban tổ chức giải, thì một số doanh nhân làm bóng đá không muốn dừng lại đó. Họ đã cùng nhau bàn bạc để đưa ra một đề xuất thay đổi mạnh mẽ hơn với mục tiêu cao hơn là xây dựng một nền bóng đá nước nhà chuyên nghiệp và trong sạch.

Và diễn biến cuộc họp cũng đã nằm ngoài kế hoạch mà VFF "định hướng" khi bầu Kiên bày tỏ: "Điều quan trọng là chúng ta phải xây dựng được cái ghế. Khi có cái ghế rồi, mới lựa chọn người ngồi vào". Bởi thế, có 6 ông bầu đến từ hôm trước đã thống nhất với nhau việc thành lập Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF - Vietnam Professional Football) để điều hành tổ chức Giải bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam như mô hình các nền bóng đá chuyên nghiệp đã làm. Đồng thời cũng là mô hình mà FIFA đã đề nghị VN nên làm theo. Đây sẽ là một công ty cổ phần với số vốn 21 tỉ đồng, 14 CLB mỗi đội góp một tỉ đồng tương đương 64,4%, VFF góp số vốn còn lại tương đương 35,6%. (Xem toàn văn kế hoạch thành lập VPF trên ktdt.com.vn).

Cùng chung suy nghĩ với chủ tịch CLB bóng đá Hà Nội, bầu Đức cho biết: "Đề án thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN là một sự lột xác cho bóng đá VN. Chúng tôi đến đây không phải để nghe VFF trình bày những cái cũ, vì đã cảm thấy chán ngồi nghe, gật đầu, giơ tay biểu quyết rồi về lắm rồi. Giải VFF giờ yếu lắm, đây là thời điểm phù hợp nhất để VFF nhìn thẳng, nhìn thật vào những hạn chế đang tồn tại chứ không phải tìm cách né tránh. Tôi đau xót lắm. Khi tôi mới làm bóng đá, tôi đầu tư 15 tỉ mỗi mùa nhưng sân đông ngịt người bây giờ 70 tỉ mỗi mùa nhưng sân vắng tanh. Các anh ở VFF nhìn thấy chuyện đó cũng phải đau xót chứ? Vấn đề là có dám nhìn vào sự thật và thay đổi hay không mà thôi. Nếu không kịp thành lập Công ty, thì có thể lùi V.League lại, tạm nghỉ 1 thời gian có sao đâu. Chứ nếu đã biết sai mà không sửa thì không chơi được. Năm 2012 lại bỏ ra thêm 100 tỉ đồng nữa nuôi đội bóng V.League mà vẫn không có gì mới thì phí lắm. Tôi khẳng định không bao giờ bỏ bóng đa, nhưng sẵn sàng bỏ V.League nếu không có sự thay đổi. Tôi sẽ tập trung vào công tác đào tạo bóng đá trẻ, không ngại tốn tiền, tốn thời gian vì sự phát triển của bóng đá VN.  5 năm nữa, tôi sẽ có một dàn cầu thủ trẻ đóng góp cho bóng đá nước nhà Tôi thừa sức đầu tư cho bóng đá Việt Nam qua được Đông Nam Á, châu Á", ông Đức khẳng định.

Cuộc họp với "kịch bản chính" là bầu cử như VFF dự kiến đã chóng được các ông bầu chuyển hướng, biến thành cuộc thảo luận về hình thành Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN như Luật Thể thao cũng đã ghi rõ giải chuyên nghiệp thuộc về các CLB chuyên nghiệp.

Theo bầu Kiên, việc lãng phí khoảng 1.000 tỉ đồng/năm (14 CLB V.League tiêu tốn khoảng 60 - 70 tỉ đồng/đội/năm) là sự lãng phí quá lớn, không thể chấp nhận được, và buộc phải thay đổi: "Nếu các anh lo không kịp thời gian để thành lập Công ty để tổ chức giải trong năm 2012 và phải lui sang năm 2013 thì tôi xin đảm bảo khoảng 1 tháng là xong. Chỉ cần 1 tuần là hoàn thiện hồ sơ, văn bản. Và mất khoảng 10 ngày để xin ý kiến Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT&DL, Bộ Nội vụ. Nếu VFF cảm thấy khó, các ông bầu chúng tôi với uy tín, trách nhiệm của mình có thể chung tay cùng làm, càng nhanh càng tốt. Tôi không tin có Bộ nào lại không đồng ý với ý tưởng vì cái chung, vì sự phát triển cuả bóng đá VN. Tôi tin chắc Công ty làm ăn sẽ có lãi, các CLB sẽ được chia lợi nhuận. Khi Công ty này ra đời, tôi khẳng định thu nhập của trọng tài, giám sát sẽ không dưới 30 triệu đồng/tháng, và chúng tôi hướng tới việc nâng lên 50 triệu đồng/tháng", ông Kiên cam kết.

Hội nghị dự kiến kéo dài đến hết ngày, nhưng đến đầu giờ chiều đã có 100% đại biểu đại diện cho 28 CLB dự V-League và Hạng nhất biểu quyết tán thành đề án thành lập Ban tổ chức điều hành giải bóng đá vô địch quốc gia V-League theo gợi ý của bầu Kiên.

Trước ý kiến tán đồng từ các CLB, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho rằng việc cải tổ bộ máy điều hành ban tổ chức V-League là một trong những mong muốn của Liên đoàn. Tuy nhiên, do trước đây chưa có ai tư vấn, hỗ trợ nên không thể làm. Ông Hỷ kết luận: "Nếu được các CLB hỗ trợ, sẽ làm ngay lập tức".

Như vậy, mô hình thành lập Ban tổ chức mới theo mô hình công ty sẽ được xúc tiến ngay trong mùa giải 2012.  Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết, vào đầu tuần tới sẽ tiếp tục có cuộc họp bàn chi tiết và dự kiến hoàn thành trong vòng 1 tháng.

Đây là một tin vui cho bóng đá VN với  phương án tạo ra sân chơi lành mạnh, hấp dẫn để khán giả sẽ đến sân.

Luật Thể thao ở điều 53 mục 2 qui định: "LĐTT QG là chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao; CLB thể thao chuyên nghiệp là chủ sở hữu giải thể thao chuyên nghiệp". Khái niệm giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp được qui định khác nhau và rất rõ trong Luật. Có thể nói, VFF đang sở hữu cái mà mình không được phép (theo Luật). Ông Dương Nghiệp Chí, nguyên Chủ tịch VFF cho rằng: "Các CLB bỏ tiền tổ chức sản xuất kinh doanh hàng hóa bóng đá, đến khâu bán hàng (tổ chức thi đấu) lại bị VFF chiếm dụng. Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bị tách rời bởi VFF, một tổ chức xã hội nghề nghiệp, không phải một doanh nghiệp".