Thừa ủy quyền Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã ký Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong báo cáo, cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có giải trình về quy định mức lương hưu thấp nhất: khoản 5 Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định mức lương hưu hàng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở chỉ áp dụng đối với những người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Quy định này không áp dụng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hưởng lương hưu mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng cho biết, chủ trương của Nghị quyết số 28-NQ/TW là mở rộng bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Thể chế hóa chủ trương này, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã sửa theo hướng giảm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu vùng cao nhất để phù hợp với khả năng của một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mới được bổ sung (người lao động làm việc không trọn thời gian, chủ hộ kinh doanh, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương,...).
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng quy định điều chỉnh giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm để nhiều người có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng.
“Thể chế hóa chủ trương mở rộng bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân của Nghị quyết số 28-NQ/TW thì việc quy định như khoản 5 Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nêu trên là không còn phù hợp” – Bộ LĐTB&XH cho hay.
Bên cạnh đó, tới đây, theo chủ trương của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN sẽ không còn “mức lương cơ sở”.
Thông lệ các quốc gia xây dựng và triển khai hệ thống hưu trí đa tầng thì tầng thấp nhất của hệ thống đa tầng chính là mức lương hưu thấp nhất.
Theo quy định hiện nay, mức lương hưu hàng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng. Nhưng từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tiền lương sẽ không còn “mức lương cơ sở”, vì thế rất cần Chính phủ có văn bản hướng dẫn cách xác định mức lương hưu thấp nhất để áp dụng cho các đối tượng theo quy định.
Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
Lao động nam nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Mức lương hưu hàng tháng = Tỉ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và 55 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 bàng mức lương cơ sở, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 54 của Luật này.