Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công bố Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Sẽ xây dựng hướng dẫn về tác nghiệp của nhà báo tại các phiên tòa

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 29/8, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Pháp lệnh này vừa được UBTV Quốc hội thông qua, quy định cụ thể về mức phạt với từng vi phạm.

Theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (Pháp lệnh) gồm 4 chương, 48 điều, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; nâng cao uy tín của cơ quan nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của tòa án, bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ thông tin tại cuộc họp báo
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ thông tin tại cuộc họp báo

Về phạm vi điều chỉnh, Pháp lệnh quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40 triệu đồng, của tổ chức lên đến 80 triệu đồng.

Pháp lệnh cũng quy định đối với hành vi tố giác, báo tin về tội phạm sai sự, thật mức phạt tiền từ 5 triệu đến 15 triệu đồng trong các trường hợp: Cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, người có thẩm quyền; lôi kéo, xúi giục, lừa dối, mua chuộc, đe doạ hoặc sử dụng vũ lực buộc người khác tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật.

Đáng chú ý, trong pháp lệnh này cũng quy định hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự bị phạt tiền từ 7 triệu đến 15 triệu đồng.

Giải thích thêm về nội dung này, Phó Chánh án TAND TC Nguyễn Trí Tuệ cho biết, ghi âm ghi hình hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng thì phải được sự đồng ý của những người đó. Khi muốn ghi âm, ghi hình của những người tham gia cũng phải được sự đồng ý của họ. Đây là nguyên tắc thể hiện đảm bảo quyền con người.

Theo Phó Chánh án TAND TC: “Báo chí có quyền của báo chí, những người khác cũng có quyền của các công dân. Khi thực hiện các quyền của người này không được xâm phạm đến quyền của người khác. Đấy là nguyên tắc. Ghi âm, ghi hình cũng phải tôn trọng quyền của người khác là người ta có đồng ý hay không".

Quang cảnh cuộc họp báo
Quang cảnh cuộc họp báo

Giải đáp băn khoăn của các nhà báo về việc xin phép chủ tọa và các đương sự để ghi âm, ghi hình trong phiên toà cần xin phép bằng văn bản hay lời nói, quy định cụ thể như thế nào, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết thêm, luật quy định muốn ghi âm, ghi hình phải xin phép là đúng pháp luật, tuy nhiên việc xin phép như thế nào, tới đây cơ quan soạn thảo sẽ có hướng dẫn.

Đồng thời, trong thời gian tới sẽ xây dựng quy phạm về tác nghiệp của nhà báo tại các phiên tòa. Còn về vấn đề livetream (ghi, phát trực tiếp) tại phiên tòa, trong dự thảo pháp lệnh có quy định, tuy nhiên khi ban hành pháp lệnh, nội dung livetream không được đưa vào. Theo Phó Chánh án TANDTC, dù không quy định nhưng livetream tại phiên tòa vẫn là hành vi bị nghiêm cấm.

"Livetream là ghi và phát, ở đây ghi là cấm rồi, chưa nói phát, phát hành vi còn nặng hơn. Do vậy đây cũng là một hành vi bị nghiêm cấm, ghi hình, ghi âm đã sai rồi, nhưng khi phát lên mức độ còn nặng hơn. Chúng tôi đã quy định ở đây nhưng khi Thường vụ Quốc hội họp bàn thì nói trong tố tụng chưa dùng từ này, nên chúng ta không dùng" - Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết.