KTĐT - Hiện taxi tại Hà Nội phát triển khá nhiều với hơn 100 doanh nghiệp và trên 15.000 xe thuộc diện quản lý, vấn đề cũng khá nổi cộm.
Để đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị phục vụ ngày lễ 30/4, bầu cử Quốc hội lần thứ XIII, đoàn liên ngành gồm Thanh tra sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Phòng Cảnh sát trật tự và Chi cục Đăng kiểm đi kiểm tra tình hình chấp hành qui định về trật tự an toàn giao thông trước kỳ nghỉ lễ 30/4 tại các bến xe, nhà ga.
Tại cột đèn xanh, đèn đỏ trước cửa Bến xe phía Nam, xe khách BKS 29U-4913 tuyến Hà Nội-Thanh Hóa đang đứng bắt khách trên lòng đường. Ngay khi xe của đoàn liên ngành áp sát để kiểm tra, xe này lập tức bỏ chạy.
Khi đoàn liên ngành yêu cầu dừng xe, tài xế liều lĩnh đánh võng ra giữa lòng đường, lạng lách nhằm chạy trốn, cho đến lúc bốn xe của đoàn liên ngành vây chặt bốn phía mới chịu dừng lại.
Sau khi bị lực lượng chức năng ép vào lề đường để xử lý, người lái xe bước xuống, không xuất trình được bằng lái xe và bất cứ giấy tờ nào liên quan, ngoài chứng minh thư nhân dân.
Một lúc sau, lái xe thực sự của chiếc xe mới xuất hiện, thanh minh là “em đang làm lệnh (lệnh xuất xe) trong bến.”
Theo ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, nếu hôm nay chỉ có một tổ công tác đi làm nhiệm vụ, chắc chắn không xử lý được chiếc xe này.
“Buổi sáng đường còn vắng chúng tôi mới dám quyết bám đuổi. Nếu vào lúc giao thông cao điểm hơn thì có lẽ đành chịu. Còn phải đảm bảo an toàn cho người đi đường nữa,” ông Mạnh chia sẻ.
Để tranh giành khách của nhau, “mánh” thường gặp của chủ xe là dù xe chưa có lệnh xuất bến nhưng vẫn lái ra đường dừng đỗ hoặc “lượn vài vòng” đón khách.
Ông Mạnh cho biết: “Tại một số bến xe quản lý tốt hơn như Mỹ Đình, Lương Yên thì không còn hiện tượng này. Nhưng tại bến xe phía Nam vẫn xuất hiện, mà lực lượng chức năng chưa có cách nào xử lý dứt điểm.”
Bày tỏ quan điểm về những hành vi liều lĩnh của các lái xe, ông Mạnh cho hay: “Bảo là tội phạm thì không phải vì chưa có hành vi phạm tội. Mà xử phạt vi phạm hành chính thì quá nhẹ. Hiện theo qui định của Nghị định 34, lỗi lái xe không có giấy phép chỉ bị phạt 2,5 triệu đồng. Còn người giao xe cho người không có giấy phép lái, có thể dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của rất nhiều người, nhưng hiện lại chưa có chế tài xử lý.”
Cũng tại gầm cầu vượt Thanh Trì (đoạn Giải Phóng-Pháp Vân), khi thấy bóng dáng liên ngành thì 4, 5 chiếc taxi đang đỗ tràn cả ra lòng đường, đồng loạt nổ máy.
Theo đại diện Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, trường hợp này chúng tôi không thể đuổi theo, vì sẽ gây nguy hiểm. Tương tự như trường hợp xe khách bỏ chạy, vẫn có cách để đưa vào bến xử lý, nhưng phức tạp hơn rất nhiều. Hiện rất nhiều tài xế sẵn sàng làm liều.
Tại nút này, đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản và tạm giữ một số phương tiện vi phạm.
Trước đó, tại ga Hà Nội, lực lượng chức năng cũng đã lập biên bản xử lý tại chỗ 5 trường hợp xe taxi vi phạm, bao gồm cả lái xe không có giấy phép. Hai chiếc phù hiệu taxi cũng được đưa về xác minh.
“Logo doanh nghiệp của chiếc xe mang biển số 30N-2703 chỉ được dán hờ trên thành xe, dễ dàng bóc ra, trong khi theo qui định là phải sơn cố định. Đây là chiêu của các tài xế taxi 'gửi' xe vào một doanh nghiệp nào đó nhằm được cấp phù hiệu, chứ không phải xe chính hãng,” đại diện đoàn kiểm tra cho biết.
“Hiện taxi tại Hà Nội phát triển khá nhiều với hơn 100 doanh nghiệp và trên 15.000 xe thuộc diện quản lý, vấn đề cũng khá nổi cộm. Công an Hà Nội và Sở Giao thông Vận tải đã có kế hoạch liên ngành kiểm tra toàn diện đối với phương tiện này. Sắp tới chúng tôi sẽ rà soát lại tất cả,” ông Mạnh khẳng định./.
Theo kết quả của Thanh tra giao thông Hà Nội, qua kiểm tra từ tháng 1 đến hết tháng 3 năm nay, đã xử lý hơn 1.000 trường hợp taxi vi phạm, trong đó tạm giữ 97 trường hợp, thường mắc vào các lỗi như không có phù hiệu, dừng đỗ sai nơi qui định. |