Gỗ và các sản phẩm gỗ đang được kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu kim ngạch 5,5 tỷ USD trong 2013. Mặt hàng này đã gia nhập nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên kể từ năm 2004.
Từ đầu năm đến nay, đây là một trong số ít những mặt hàng nông lâm thủy sản vẫn giữ độ tăng trưởng ổn định.
Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, trong 5 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 12,0% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, riêng tháng 5/2013, xuất khẩu mặt hàng này đạt 450.423.305 USD, tăng 8,9% so với tháng 4/2013.
Hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đều có mức tăng trưởng.
Trong đó, thị trường Mỹ tiếp tục đứng đầu về kim ngạch và đạt giá trị 5 tháng là 710,1 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2012. Riêng tháng 5, thị trường này có mức tăng trưởng tới 19,4%, đạt hơn 172,7 triệu USD.
Tiếp đến là thị trường Trung Quốc, trong 5 tháng, xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 300 triệu USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2012.
Đứng thứ 3 là thị trường Nhật Bản với tổng trị giá xuất khẩu trong 5 tháng đạt 305,86 triệu USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, còn một số thị trường như Hàn Quốc, Anh, Canada… cũng có mức tăng trưởng nhập khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam khá so với cùng kỳ năm trước.
Theo Báo Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra dự báo, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ chế biến cả năm 2013 khoảng 10% -15%, kim ngạch ước đạt 5,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng gặp phải không ít khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, nhiều doanh nghiệp hoạt động chủ yếu từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu do nguồn nguyên liệu gỗ từ rừng trồng chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu.
Đối với nguyên liệu từ khai thác gỗ rừng tự nhiên, năm 2013 sản lượng sẽ giảm hơn so với năm rước khoảng trên dưới 12.000m3 và năm 2014 sẽ ngừng khai thác gỗ tự nhiên.