Hiện có thông tin về một sự việc nghiêm trọng khi 1 trong 4 người mà cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đưa đi cách ly sau khi đi trên chuyến bay VN1547 (có bệnh nhân Covid-19 thứ 30 đi từ Hà Nội vào Huế) bị đánh tráo. Người thực hiện việc đánh tráo là Chủ tịch HĐQT của một doanh nghiệp.
Người này là 1 trong 4 người ngồi cùng khoang máy bay mang số hiệu VN1547 từ Hà Nội vào Huế với bệnh nhân Covid-19 thứ 30 (hiện đang điều trị cách ly tại Bệnh viện T.Ư Huế Cơ sở 2). Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng thực hiện cách ly thì Chủ tịch HĐQT này lại cho nhân viên của mình đi cách ly thay.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vụ việc này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, nếu vụ việc là đúng, theo quy định của pháp luật, hành vi trốn tránh các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh đều bị xử lý.
Cụ thể, Ðiều 10 Nghị định 176/2013/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ: Người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
“Bên cạnh đó, nếu người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Ðiều 240 Bộ luật Hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Nếu bị truy tố, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà đối tượng phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền 20 - 100 triệu đồng” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng thông tin.
Theo các chuyên gia luật, việc chế tài xử phạt với các trường hợp trốn cách ly y tế, mức độ xử phạt hành chính, phạt tiền như vậy vẫn còn quá nhẹ, so với hậu quả của dịch bệnh Covid-19 gây ra như hiện nay. Tại Nga, người nghi nhiễm dịch bệnh Covid-19 trốn cách ly có thể bị tống giam tới 5 năm tù; trong khi đó, Séc phạt tiền tới 130.000 USD còn Hàn Quốc phạt 8.200 USD.