Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Shark Phú chỉ cách giúp doanh nghiệp chung sống “khôn ngoan” với Covid-19

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Vì ngăn ngừa dịch bệnh là không thể tuyệt đối nên các doanh nghiệp phải học cách chung sống với nó một cách khôn ngoan”.

Đó là khẳng định của Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú tại tọa đàm trực tuyến “Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó Covid-19” do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) tổ chức mới đây.
“Đa kênh, đa thị trường, đa nguồn thu”
Chia sẻ về những biện pháp chống chọi với dịch bệnh đồng thời duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh, ông Nguyễn Xuân Phú cũng đã đưa ra những ví dụ điển hình và kinh nghiệm xương máu từ chính bản thân doanh nghiệp mình.  
“Bản thân Sunhouse trong năm 2020 giống như các DN khác gặp hoàn cảnh rất bất định trước dịch bệnh. Không may nữa là chúng tôi gặp phải sự cố cháy kho hàng chiếm tới 20% tổng tài sản công ty”, ông Phú chia sẻ, đồng thời khẳng định việc chống chọi với rủi ro đồng thời vẫn ổn định phát triển sản xuất là bài toán của mọi doanh nghiệp.
 Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú. Ảnh: Thanh Hải
Theo kinh nghiệm của Sunhouse trong giai đoạn trước là khi dịch bùng ra, Ban lãnh đạo Tập đoàn đã họp ngay với các cán bộ cấp quản lý để đặt ra những kịch bản như phong tỏa trong khu vực hẹp, phong tỏa thành phố, phong tỏa vùng miền… “Ví dụ, nếu phong tỏa từng phần, chúng tôi sẽ chia nhiều kho hàng để không bị đứt gãy. Nhà máy chia ra nhiều nơi nếu một nhà máy bị dính thì các nơi khác bù vào. Năm vừa rồi , bộ phận kinh doanh tài chính chứng khoán trở thành bộ máy kiếm tiền chính…”, ông Phú chia sẻ. 
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse nhấn mạnh, cần chia ra nhiều hướng để đa dạng thị trường, kênh phân phối và nguồn thu sẽ giúp DN bình ổn trước dịch, đồng thời có những khoản dự phòng.
“Nếu trong bức tranh kinh doanh không có khoản này rất nguy hiểm”, ông Phú cho biết. Ví dụ như Sunhouse, khách hàng có khoản tiền gửi đủ để trả lương cho bộ máy trong vòng 3 năm.
Những chiến lược này đã giúp Sunhouse dù bị 2 cú sốc lớn, kết thúc năm tài chính vẫn tăng trưởng khoảng 15% kể cả doanh thu lẫn lợi nhuận, sau khi bù đắp tất cả rủi ro. Trong năm 2021, xuất khẩu của Sunhouse thể tăng vượt khoảng 1.000 tỷ, theo ông Phú. “Đây là cơ hội để xuất khẩu cân bằng cho thị trường nội địa yếu, bởi Châu âu và Mỹ đang phục hồi tốt”.
Theo ông Phú, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát toàn thế giới, chúng ta cần sẵn sàng đón nhận rủi ro một cách khôn ngoan. “Những đứa trẻ trong gia đình sướng, bị ngăn tiếp xúc đất,  thì một khi tiếp xúc lại dễ nhiễm bệnh so với những đứa trẻ nông thôn được thả chơi rông”, ông ví von. Việc chống dịch cực đoan là rất nguy hiểm, giống như đứa trẻ không được tiếp xúc gió nắng bên ngoài. “Vì ngăn ngừa dịch bệnh là không thể tuyệt đối nên các DN phải học cách chung sống với nó một cách khôn ngoan”.
Đừng để doanh nghiệp “thích” rơi vào khó khăn
Trả lời câu hỏi của độc giả theo dõi Tọa đàm về đề xuất của Sunhouse trước những chính sách hỗ trợ của Chính phủ dành cho DN trong bối cảnh dịch Covid-19, ông Phú dẫn kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới. Bản thân các nước đã giả định trước địa bàn của tỉnh, TP có bao nhiêu DN để có những kịch bản cụ thể.
Dựa trên đóng góp của DN – số lượng thuế đóng, số lượng công nhân đóng bảo hiểm để đưa ra các khoản hỗ trợ phù hợp. Để làm được như vậy cần có cơ sở dữ liệu về DN mới có thể nhanh chóng triển khai hỗ trợ khi dịch bệnh bùng phát. Điều này cũng khuyến khích DN minh bạch và đóng thuế đủ.
“Nghịch lý là ở Việt Nam, hỗ trợ mới chỉ tập trung vào nhóm DN khó khăn, như thế là khuyến khích cho người ta khó khăn, thậm chí đẩy họ vào gian dối, trong khi có những đơn vị đóng thuế đủ lại bị đóng cửa”, ông Phú chia sẻ. Nhiều DN nhỏ và vừa rất khổ sở vì chỉ làm 1 lĩnh vực, 1 cửa hàng, khi dịch nổ ra bị đóng cửa ngay lập tức.
Để khắc phục tình trạng này, ông Phú đề xuất cần chia nhóm hỗ trợ theo quy mô và đặc trưng. Thứ nhất, bản thân các DN trong những khu vực bị phong tỏa cần được hỗ trợ ngay theo đóng góp của họ vào ngân sách, sau đó là tới các đối tượng khó khăn.
Bên cạnh đó, cần chia nhóm doanh nghiệp để xây dựng các gói hỗ trợ. Cụ thể, nhóm DN lớn chiếm 80% nguồn thu ngân sách cần hỗ trợ kiểu khác như mở cửa thị trường, hỗ trợ họ đón các đoàn chuyên gia nước ngoài trong bối cảnh dịch hay các điều kiện để mở rộng sản xuất. 
“500 DN đứng đầu cả nước nếu nhận được chính sách hỗ trợ hiệu quả thậm chí còn tạo hiệu ứng lan tỏa cho những doanh nghiệp vệ tinh”, ông Phú nhấn mạnh.
Nhóm DN vừa – đa phần là vệ tinh DN lớn lại cần những chính sách khác. Nhóm cuối là những nhóm siêu nhỏ - họ chỉ có 1 con đường sống – khi mà giãn cách xã hội khoanh vùng cần có hỗ trợ ngay dựa trên đóng góp của họ. Còn nhóm những DN không may gặp khó khăn có thể viện tới quỹ kêu gọi xã hội.
“Dù vậy, bản chất Chính phủ quản lý rất rộng lớn, bản thân chúng tôi luôn tâm niệm cần tự mình chủ động cứu mình, chuẩn bị cho mọi kịch bản ở nhiều cấp độ và cụ thể bởi mỗi DN đặc thù khác nhau”, ông Phú kết luận.