Shipper giao hàng từ sáng đến đêm muộn vẫn không hết việc dịp cận Tết

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cận Tết, số lượng đơn hàng giao nhận tăng mạnh, các tài xế giao nhận (shipper) cũng như đơn vị vận chuyển làm việc từ sáng tới tận đêm muộn vẫn không hết việc.

"Căng mình" vận chuyển

Ông Trương Phú Hoàn (trú tại Phú Thượng, quận Tây Hồ) là shipper cho hãng công nghệ Grab cho biết, thời điểm sát Tết nhu cầu đặt hàng của khách tăng mạnh, gấp 3 - 5 lần so với ngày thường. Vì thế gần như những nhân viên giao hàng gần như hoạt động từ sáng tới tận tối muộn.

"Các đơn hàng như thực phẩm để phục vụ Tết hoặc đồ quà biếu có đến hàng trăm đơn. Bên cạnh đó, nhiều khách còn đặt giao đào, quất dù giá vận chuyển có cao hơn nhưng vẫn chấp nhận để được lấy ngay" - ông Hoàn chia sẻ.

Shipper dịp cận Tết đơn hàng "nổ" liên tục.
Shipper dịp cận Tết đơn hàng "nổ" liên tục.

Còn với anh Nguyễn Văn Hoà (40 tuổi, trú tại Nam Từ Liêm) là tài xế giao nhận hàng hơn 3 năm nay cho biết, những ngày này, anh vẫn giao hàng xuyên trưa, có hôm nhiều đơn quá quên cả ăn. Đợt này anh cũng đang tính sẽ chạy xuyên Tết để có thêm thu nhập.

"Ngày 11/1 vừa qua, do các sàn thương mại điện tử có các chương trình khuyến mãi làm số lượng đơn tăng đột biến, có những hôm tôi đi đưa hàng từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối vẫn đang trên đường. Đặc biệt, sát Tết đơn hàng đi và trả về nhiều không đếm được" - anh Hoà cho hay.

Mặc dù sau khi trừ những khoản chi phí cố định như tiền xăng xe, bảo dưỡng, ăn uống... Các shipper có thể "đút túi" cho mình một khoản tiền lo Tết, nhưng nhiều người theo nghề vận chuyển này chia sẻ, công việc cũng luôn đi kèm những rủi ro tiềm ẩn.

Theo anh Hoà, shipper luôn phải chú ý với những đơn hàng giao đi dễ vỡ như: rượu, ly, cốc... hoặc các loại thực phẩm bởi vì nếu làm vỡ hay hỏng sẽ phải đền khách hàng. Bên cạnh đó, những ngày này, đơn hàng nhiều cần tỉnh táo tránh giao nhầm nếu không sẽ phải giao lại rất mất thời gian.

"Cuối cùng, phải đếm kỹ tiền khi khách trả tiền nhận hàng và không nên nhận những đơn phải ứng trước vì rủi ro "bom hàng", lừa đảo" - anh Hoà chia sẻ.

Nhiều đơn vị quá tải

Ghi nhận tại một cơ sở vận chuyển hàng hoá trên địa bàn TP Hà Nội, 9 giờ tối vẫn la liệt hàng hoá của khác trải từ cửa cho tới vào tận bên trong. Nhân viên sắp xếp, lên đơn vận chuyển từ sáng vẫn chưa hết việc.

Anh Dương, một nhân viên ở đây chia sẻ, số lượng đơn dịp gần Tết một ngày không dưới 300 - 400 đơn, trong đó có hơn nửa là hàng khách trả lại do không vừa ý.  "Chúng tôi cũng cố gắng giao ngay cho khách nội thành trong dịp Tết, với những đơn trả lại hoặc khách ở xa cũng thông báo sẽ chuyển qua sau Tết" - anh Dương cho hay.

Hàng hoá chất đống tại một đơn vị vận chuyển.
Hàng hoá chất đống tại một đơn vị vận chuyển.

Hiện nhiều đơn vị giao hàng trong tình trạng "quá tải. Mới đây, theo Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), sản lượng bưu gửi qua hệ thống trong những ngày cận Tết Nguyên Đán hiện đang bước vào giai đoạn cao điểm, tăng khoảng 25% đến 40% so với ngày thường.

"Với nguyên tắc phát hết hàng hóa trong ca, trong ngày, các đơn vị đã chủ động bố trí lực lượng, bưu tá hợp lí, tổ chức phát hàng ngoài giờ hành chính, nhất là các địa bàn có sản lượng bưu phẩm lớn để đảm bảo hàng hóa được phát chính xác, an toàn tới người nhận trong thời gian sớm nhất, cam kết các bưu gửi phát trong ngày 20/1/2023 (29 tháng Chạp) sẽ đến tay người nhận trước Tết Nguyên đán, chậm nhất là trước 12 giờ trưa ngày 21/1/2023 (30 tháng Chạp)" - đại diện Vietnam Post thông tin.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng các hãng logistics thường xuyên bị quá tải trong những dịp lễ, sự kiện quan trọng cần phải nhanh chóng cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ cần phải "nâng tầm" hiện đại, văn minh, đưa TP trở thành đầu mối logistics quan trọng của vùng, khu vực và toàn quốc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần