Shipper ồ ạt lên mạng xã hội, nhận khách ngoài luồng

Phạm Công - Minh Tường/Giaothonghanoi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi TP Hà Nội có chủ trương tạm dừng hoạt động giao nhận hàng thông qua các ứng dụng điện tử như: Grab, Be, BEA MIN… cả người giao lẫn khách hàng đều đổ xô lên mạng xã hội tìm kiếm nhau. Hiện tượng lách luật, cố tình làm trái quy định này đang tiềm ẩn nguy cơ rất lớn gây mất an toàn phòng, chống dịch.

Bất chấp lệnh cấm
Thực hiện Chỉ thị 17/CT - UBND của UBND TP Hà Nội, ngày 24/7, Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu các ứng dụng điện tử dừng hoạt động giao nhận hàng hóa và hành khách đối với xe mô tô hai bánh để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Sở GTVT cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, Công an TP chỉ đạo lực lượng Công an các quận huyện, thị xã tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh, trong đó bao gồm cả hoạt động giao nhận hàng hóa đã bị buộc dừng.
Mặt khác, Sở GTVT đã gấp rút phối hợp với Sở Công thương, Sở Thông tin và truyền thông, rà soát và tiến hành cấp mã số xác nhận bằng tin nhắn đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô, xe 2 bánh cho lái xe từ số điện thoại “SoGTVTHaNoi”. Chỉ trong ít ngày gần 1 vạn shipper thuộc các siêu thị, đơn vị bưu chính đủ điều kiện đã được cấp phép hoạt động nhằm góp phần đảm bảo lưu thông hàng hoá, phục vụ nhu cầu Nhân dân.
 Một shipper nhận khách trên mạng xã hội và khẳng định có giấy thông hành.

Tuy nhiên, việc kiểm soát đội ngũ Shipper phải tạm dừng hoạt động chưa đạt hiệu quả như mong muốn dù các ứng dụng điện tử đã đồng loạt dừng dịch vụ giao nhận hàng hoá. Theo ghi nhận của PV Giaothonghanoi, trên nhiều trang mạng xã hội, hoạt động gọi ship vẫn diễn ra sôi nổi. Khách hàng khi cần giao hàng chỉ cần lên các trang mạng có hàng nghìn thành viên như: Ship tìm người, người tìm ship; Anh em shipper Hà Nội… để đăng bài tìm kiếm. Tiền công vận chuyển của mỗi đơn hàng được mặc cả ngay trên mạng xã hội, tùy theo quãng đường và loại hàng sẽ có giá thành khác nhau.
Hàng ngàn shipper đã lập tức có được đơn hàng giao nhận với giá cước thậm chí còn “hời” hơn khi thông qua các ứng dụng điện tử. Giá cước giao hàng trung bình những ngày qua rơi vào khoảng 10.000 - 15.000 đồng/km, khách đặt xếp hàng dài; những shipper chạy với giá thấp hơn thậm chí còn làm không hết việc.
Bật mí với PV Giaothonghanoi, chị L.T.H, chủ một cửa hàng bán đồ ăn nhanh trên địa bàn quận Hà Đông cho biết: “Từ lúc các ứng dụng gọi ship dừng hoạt động, tôi phải lên mạng xã hội để tìm shipper. Việc tìm người giao hàng cũng không khó, chỉ cần đăng bài lên một lúc là có nhiều người gọi đến nhận đơn”.
Người cần ship cũng lên các trang mạng để tìm shipper.
Theo chị H, những ngày giãn cách, shipper sẽ lấy giá cao hơn những ngày thường. Đặc biệt giá sẽ càng cao nếu phải đi qua nhiều quận. Ngoài ra, shipper cũng sẽ “hét” giá trên trời nếu hàng ship không phải là đồ dùng thiết yếu.
Có cả “bùa hộ mệnh”
Vào vai một shipper tham gia trang fanpage “Người tìm ship, ship tìm người” với gần 500.000 người theo dõi, phóng viên đã lập tức nhận được một đơn hàng đi giao thịt gà với giá cước 60.000 đồng. Khách hàng còn cho biết có 5 đơn khác giao ngay trong ngày nếu dám nhận.
Để tạo uy tín với khách hàng, nhiều shipper còn khẳng định có giấy thông hành và vô tư đăng tải tin nhắn đăng ký được phép giao hàng của Sở GTVT Hà Nội như lá bùa hộ mệnh. Không ít tài xế, nhận chở mặt hàng không thiết yếu như thuốc lá điện tử, quần áo, phụ kiện máy tính thậm chí cả chở người.
Shipper này sẵn sàng chia sẻ ''bùa hộ mệnh'' được Sở GTVT Hà Nội cấp cho Công ty CP Dịch Vụ Tức Thời để tạo uy tín với đối tác.
Một Shipper cho biết có đầy đủ giấy tờ của Sở và ship khắp Hà Nội với mỗi đơn 100.000 đồng và chứng minh bằng hình ảnh chứng nhận của Sở GTVT Hà Nội cấp cho tập đoàn NISSIN.
Đáng nói là các shipper này giao nhận hàng mỗi ngày hàng chục chuyến, đi qua biết bao phố phường trót lọt trong khi chốt kiểm soát nội - ngoại thành được dựng lên khắp nơi, khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng những lá “bùa hộ mệnh” mà shipper rêu rao trên mạng là có thật?
Hoạt động ẩn mình trên mạng xã hội khiến việc quản lý những shipper này vô cùng khó khăn đối với lực lượng chức năng. Ngoài ra, việc các shipper đã được cấp phép, tự do tìm kiếm khách hàng trên mạng xã hội đang tạo ra một lỗ hổng trong việc quản lý tài xế giao hàng. Đây chính là một trong những nhóm đối tượng tiềm ẩn nguy cơ rất cao nhiễm và làm lây lan dịch bệnh Covid-19.
 Một tài xế thậm chí nhận chở người.

Theo quy định của TP Hà Nội, các đơn vị đăng ký cho nhân viên được phép hoạt động phải quản lý và giám sát công tác phòng dịch của đội ngũ nhân viên và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các trường hợp lây nhiễm Covid-19. Việc truy cứu trách nhiệm đối với những doanh nghiệp này, có khi nào quá muộn khi những shipper này gieo rắc dịch bệnh ra khắp nơi.
Đề nghị lực lượng chốt trực trên các tuyến đường kiểm tra sát sao, nghiêm túc, xử phạt nặng những shipper cố tình bất chấp lệnh cấm kể trên. Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh hiện tại khi mạng xã hội phát triển sâu rộng, nhiều hội nhóm trá hình trở thành chợ điện tử, sẵn sàng phá luật để kiếm lời, nếu không kiểm soát chặt sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần