Siết chặt khí thải xe máy: bước tiến mới cho bầu không khí Thủ đô
Kinhtedothi - Quy chuẩn khí thải xe máy mới đang được gấp rút hoàn thiện, hứa hẹn một bước tiến quan trọng trong nỗ lực kiểm soát ô nhiễm không khí tại Việt Nam, tuy nhiên, lộ trình áp dụng và tính khả thi của quy chuẩn này vẫn còn là những câu hỏi cần được làm rõ.

Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông là việc làm cấp bách cần triển khai để giảm ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
Lùi thời điểm ban hành quy chuẩn
Tại Hội thảo quốc gia Kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí, vừa được tổ chức, ông Lê Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết Dự thảo Quy chuẩn khí thải xe máy đã được gửi đến các bộ, ngành, địa phương liên quan để lấy ý kiến.
"Dự kiến, trong một hai tháng tới, quy định này sẽ được ban hành. Tinh thần là các quy định về khí thải sẽ chặt chẽ hơn, có lộ trình áp dụng với từng địa phương, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh" - ông Nam nhấn mạnh.
Theo ông Lê Hoài Nam, quy chuẩn mới sẽ tập trung vào việc kiểm soát chặt chẽ hơn các chất gây ô nhiễm như hydrocarbon (HC) và carbon monoxide (CO), vốn chiếm tỷ lệ lớn trong khí thải xe máy. Đồng thời, quá trình lấy ý kiến cũng đang được tiến hành song song cho tiêu chuẩn khí thải ô tô, nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong quản lý phát thải từ các phương tiện giao thông.
Lãnh đạo Cục Môi trường khẳng định rằng các quy chuẩn này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu cải thiện chất lượng không khí trong nước mà còn thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các thỏa thuận quốc tế về môi trường, đặc biệt là mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trích dẫn
Với hơn 70 triệu xe máy và hàng triệu ô tô đang lưu hành, quy chuẩn mới không chỉ cần chặt chẽ mà còn phải khả thi và nhận được sự đồng thuận từ người dân. Từ lộ trình kiểm định khí thải xe máy đến các giải pháp tổng thể như nâng cấp nhiên liệu, phát triển xe điện và giao thông công cộng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi chất lượng không khí tại các đô thị.
Việt Nam có trên 70 triệu xe mô tô, xe máy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, trong đó hơn 45 triệu đang được người dân sử dụng hàng ngày. Theo Bộ Xây dựng, xe máy là nguồn phát thải ô nhiễm lớn nhất, nhưng chưa được kiểm soát vì Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa quy định.
Theo Thông tư số 47/2024 của Bộ Giao thông Vận tải (trước khi hợp nhất với Bộ Xây dựng), xe mô tô, xe gắn máy có tuổi đời dưới 5 năm được miễn kiểm định khí thải. Xe từ 5 đến 12 năm tuổi phải kiểm định hai năm một lần, xe trên 12 năm tuổi phải kiểm định hàng năm. Trường hợp xe môtô, xe gắn máy trong cơ sở dữ liệu không có thông tin về ngày xuất xưởng thì tính từ ngày 31/12 của năm sản xuất xe. Giấy chứng nhận kiểm định khí thải sẽ được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng lộ trình áp dụng Quy chuẩn khí thải xe máy là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi. Lộ trình này sẽ được thiết kế linh hoạt, với các mốc thời gian và yêu cầu khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của xe và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đề xuất kiểm định khí thải xe máy tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh từ 2027, TP công nghiệp từ 2030 và toàn quốc 2032. Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, thời gian, lộ trình thực hiện kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy sẽ thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường. Luật này do Bộ Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng Bộ Xây dựng, trình Chính phủ ban hành quyết định lộ trình thực hiện kiểm định khí thải định kỳ với mô tô, xe gắn máy.

Phát triển xe điện sẽ là xu thế tất yếu trong tương lai.
Cần một giải pháp tổng thể
Hiện cả nước có khoảng 3.000 cơ sở đủ điều kiện kiểm định khí thải, chủ yếu là các trung tâm đăng kiểm và đại lý bảo dưỡng của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam. Để tránh tình trạng ùn tắc, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu sử dụng thêm các cơ sở bảo dưỡng xã hội hóa.
Chi phí kiểm định cũng là mối quan tâm lớn. Hiện nay mức giá kiểm định khí thải chưa được ban hành. Theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, các cơ quan sẽ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bổ sung giá dịch vụ kiểm định khí thải vào danh mục giá dịch vụ đăng kiểm để Bộ Xây dựng có căn cứ ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và ban hành giá dịch vụ kiểm định khí thải xe máy.
Việc xây dựng và ban hành Quy chuẩn khí thải xe máy là bước đi quan trọng trong lộ trình kiểm soát ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông gây ra. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả toàn diện, cần mở rộng việc kiểm soát khí thải đối với ô tô và các loại phương tiện khác. Hiện nay, ô tô nhập khẩu mới và sản xuất trong nước đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải Mức 5 (tương đương Euro 5) từ ngày 1/1/2025, nhưng việc kiểm định khí thải ô tô đang lưu hành vẫn còn nhiều hạn chế.
Một quy chuẩn khí thải xe máy thành công cần đảm bảo ba yếu tố: tính khả thi, sự đồng thuận của người dân và hiệu quả thực tế trong giảm ô nhiễm. Kinh nghiệm từ xe máy có thể được áp dụng cho ô tô, chẳng hạn như thiết lập chu kỳ kiểm định định kỳ (24 tháng/lần cho xe từ 5 - 12 năm, 12 tháng/lần cho xe trên 12 năm) và sử dụng công nghệ giám sát khí thải tự động.
Các chuyên gia chỉ rõ, để quản lý và giảm thiểu ô nhiễm từ giao thông một cách tổng thể, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần nâng cao chất lượng nhiên liệu, vì nhiên liệu kém chất lượng là nguyên nhân chính làm tăng khí thải độc hại.
Thứ hai, Chính phủ cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang phương tiện xanh, đặc biệt là xe máy điện và ô tô điện. Hiện nay, xe máy điện vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ do giá thành cao và hạ tầng trạm sạc hạn chế. Chính phủ có thể giảm thuế hoặc trợ giá cho xe điện, đồng thời đầu tư vào mạng lưới trạm sạc tại các đô thị.
Thứ ba, việc phát triển giao thông công cộng là giải pháp dài hạn để giảm phụ thuộc vào phương tiện cá nhân. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh tiến độ các dự án metro, xe buýt nhanh, đồng thời thiết kế các làn đường riêng cho xe đạp và người đi bộ.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân là yếu tố không thể thiếu. Các chiến dịch truyền thông cần nhấn mạnh lợi ích của kiểm định khí thải, như tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ sức khỏe. Người dân cần hiểu rằng bảo dưỡng xe định kỳ không chỉ giúp xe đạt chuẩn khí thải mà còn tiết kiệm chi phí lâu dài.
Đặc biệt, sự ra đời của Luật Thủ đô 2024 được kỳ vọng sẽ tạo ra tiền đề quan trọng về mặt pháp lý cho Hà Nội giải quyết bài toán ô nhiễm không khí trong tương lai gần. Các chuyên gia nhận định, Nghị quyết số 15-NQ/TW, Luật Thủ đô 2024 quy định việc quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô tuân theo các nguyên tắc: “Phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch” (khoản 1 Điều 28).
Dựa trên các nguyên tắc trên, nhằm hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện và bảo đảm thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường trên địa bàn TP, Luật Thủ đô 2024 phân quyền cho HĐND TP quy định các chính sách, biện pháp đặc thù, vượt trội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Những quy định về vùng phát thải thấp hay các biện pháp liên quan đến phương tiện giao thông và hạ tầng giao thông nhằm hạn chế phát thải trong Luật Thủ đô 2024 sẽ là tiền đề quan trọng để TP hiện thực hóa các giải pháp giảm hạn chế dần các nguồn thải phát tán ra môi trường, bảo vệ môi trường không khí.
PGS.TS Vũ Thanh Ca - nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cho rằng, Luật Thủ đô 2024 đã quy định một cách toàn diện về vấn đề môi trường, bao gồm các nội dung quản lý môi trường, xử phạt trong lĩnh vực môi trường, nguồn tài chính để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.
Trích dẫn
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Đài Loan áp dụng kiểm định khí thải tại TP Đài Bắc từ năm 1993, sau đó nhân rộng ra Cao Hùng, Đài Trung từ năm 1994 và trên toàn lãnh thổ từ năm 2008. Việt Nam hiện đáp ứng nhu cầu kiểm định bởi các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam có khoảng 1.768 trạm bảo dưỡng, năng lực kiểm định mỗi trạm là 19.600 xe mỗi năm, công suất kiểm định tối đa trên toàn quốc là 34,6 triệu xe. Trong khi đó ước tính đến năm 2027, Việt Nam có 45,3 triệu xe môtô, xe gắn máy, trong đó xe sản xuất từ 5 năm trở lên cần kiểm định là 31,4 triệu. Tuy nhiên, nếu áp dụng tiêu chuẩn khí thải đồng loạt trên toàn quốc thì sẽ có khoảng 0,7% số xe lưu hành cần thay thế. Việc này ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt là người nghèo do xe máy vẫn là phương tiện mưu sinh chính. Do đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam đề xuất thực hiện trước tại thành phố lớn, nơi bị ô nhiễm không khí, để người dân làm quen kiểm định khí thải, sau đó mở rộng ra toàn quốc.
Cần nghiên cứu, đánh giá chính xác các nguồn gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 143/TB-VPCP ngày 1/4/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm việc với Thành phố Hà Nội về đôn đốc, thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý ô nhiễm môi trường không khí.

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh: 5 năm tới chỉ số ô nhiễm không khí ở ngưỡng an toàn
Kinhtedothi - Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu trong 5 năm tới đạt mục tiêu chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) ở ngưỡng an toàn với sức khỏe con người.

Ứng dụng AI và dữ liệu lớn trong giám sát và dự báo ô nhiễm không khí
Kinhtedothi - Các quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để giám sát, dự báo và kiểm soát chất lượng không khí, mở ra hướng đi bền vững trong cuộc chiến chống ô nhiễm.