Một điểm thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn phường Cự Khối, quận Long Biên. Ảnh: Hữu Nghị |
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có 3 xưởng sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc BVTV, 76 công ty - chi nhánh công ty và 1.256 cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV. Kết quả điều tra tình hình buôn bán vật tư nông nghiệp trong 5 năm gần đây cho thấy, trung bình mỗi năm, Hà Nội sử dụng khoảng 400 tấn thuốc BVTV vào mục đích phòng, trừ sâu bệnh hại trong nông nghiệp.
Hiện nay, tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp đã được đầu tư thùng chứa, điểm thu gom bao gói thuốc BVTV. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, tập huấn, người nông dân đã có ý thức trong việc giữ gìn môi trường, thu gom vỏ thuốc đúng nơi quy định. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, tình trạng vỏ bao bì, gói thuốc BVTV bị vứt, bỏ bừa bãi trên cánh đồng sau khi sử dụng vẫn còn khá phổ biến. Điển hình là tại các vùng sản xuất chuyên canh rau màu, hoa cây cảnh như Đông Anh, Mê Linh, Bắc Từ Liêm…Những năm qua, công tác thu gom, xử lý vỏ bao bì, gói thuốc BVTV và thuốc thú y được Sở NN&PTNT Hà Nội và chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm túc. Theo đó, trong năm 2017, các đơn vị chức năng đã tiến hành thu gom vận chuyển và tiêu hủy 139 tấn vỏ bao gói nhiễm thuốc BVTV. Bên cạnh đó là 16 tấn bao gói, vỏ lọ thuốc thú y cho phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.Nhằm quản lý chặt chẽ bao gói thuốc BVTV, thuốc thú y, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp, trong giai đoạn 2012 - 2015, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở ngành, các địa phương tiến hành điều tra khảo sát sơ bộ và lập danh sách 25 điểm ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu. Đồng thời, tổ chức đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm môi trường tại 6 điểm ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu và triển khai Dự án “Cải thiện và phục hồi môi trường tại điểm tồn lưu hóa chất BVTV khu lò gạch, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ” từ nguồn vốn ngân sách TP.
Năm 2016, dự án đã hoàn thành và bàn giao lại cho địa phương. Tiếp nối hiệu quả của việc thực thi chính sách nêu trên, trong giai đoạn 2017 - 2020, TP tiếp tục triển khai Dự án “Cải thiện và phục hồi môi trường tại các điểm tồn lưu hóa chất BVTV”.Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Lê Xuân Trường, bên cạnh các giải pháp khắc phục nêu trên, TP cần tiếp tục có cơ chế hỗ trợ các địa phương lắp đặt thêm những thùng chứa bao bì thuốc BVTV. Quan trọng hơn là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con nông dân trong việc sử dụng hợp lý thuốc BVTV, cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn nói chung. Có như vậy, việc kiểm soát vỏ bao bì thuốc BVTV và thuốc thú y mới dần đi vào nền nếp.