Siết chặt quản lý các cơ sở nhà, đất thuộc Công ty Điện ảnh Hà Nội

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Các cơ sở nhà, đất Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội được giao, ngoài sử dụng theo mục đích thiết chế văn hóa, còn liên doanh liên kết với các đơn vị, thể hiện có sai sót trong quản lý sử dụng..." - Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên nhấn mạnh.

Sáng nay, 2/6, Đoàn giám sát số 2 của HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát chuyên đề tại Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội về việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của TP.

Dự buổi giám sát có các đại biểu HĐND TP, lãnh đạo các Ban, Văn phòng Đoàn ĐB Quốc hội và HĐND TP, một số sở, ngành liên quan.

Đoàn đã đến khảo sát thực địa công trình rạp Mê Linh tại 88 phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) và làm việc tại trụ sở Công ty.

Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên làm Trưởng đoàn tiến hành khảo sát thực địa rạp Mê Linh tại 88 phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng)
Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên làm Trưởng đoàn tiến hành khảo sát thực địa rạp Mê Linh tại 88 phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng)

Theo Chủ tịch Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội Mai Xuân Phương, đơn vị được thành lập năm 1959, trước là Quốc doanh chiếu bóng, năm 2008 chuyển thành Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội. Ngoài hoạt động kinh doanh chính là chiếu phim và các dịch vụ văn hóa khác, còn thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền tư tưởng văn hóa và phổ biến các tác phẩm điện ảnh phục vụ chính trị (không thu tiền) tới người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Thực hiện Quyết định 651 ngày 5/2/2018 của UBND TP, Công ty được giao quản lý, sử dụng 5 địa điểm cơ sở nhà đất, trong đó: 2 địa điểm là tài sản nhà, đất thuê của Nhà nước (phải trả tiền thuê nhà và thuê đất hằng năm) gồm: Trụ sở Công ty và cụm Rạp Tháng 8 tại số 45 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm); cơ sở nhà, đất tại 57 Cửa Nam (rạp Kinh Đô, quận Hoàng Kiếm). 3 địa điểm được giao đất đến năm 2034 (trả tiền thuê đất hằng năm) gồm: Cơ sở nhà, đất tại 437 Bạch Mai (rạp Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng); cơ sở nhà, đất tại 211 Khâm Thiên (quận Đống Đa); cơ sở nhà, đất tại 88 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng).

Lãnh đạo Công ty chia sẻ, từ khi Nhà nước có chủ trương xã hội hóa ngành điện ảnh và xu hướng xã hội thay đổi, xuất hiện nhiều cụm rạp tư nhân đa năng, hiện đại tại các trung tâm thương mại, trong khi các cơ sở nhà rạp Công ty quản lý đã được xây dựng từ trước khi thành lập đơn vị năm 1959 chỉ 1 phòng chiếu, theo thời gian, trang thiết bị và cơ sở vật chất đều xuống cấp trầm trọng. Từ năm 2009 đến nay, đơn giá thuê nhà của UBND TP tăng lên nhiều, nhất là theo Quyết định 38/2012/QĐ-UBND giá thuê nhà đất tăng đột biến, nhưng giá vé xem phim không thể tăng cao tương ứng mà Công ty phải điều chỉnh giảm để cạnh tranh. Trong khi thực hiện cổ phần hóa kéo dài từ năm 2016 đến nay nguồn vốn không còn, nên Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong đầu tư nâng cấp trang thiết bị, mở rộng phục vụ sản xuất kinh doanh, mặc dù đơn vị đã tìm nhiều biện pháp tiết kiệm chi phí trong đó có giảm quỹ lương (tổng số CBCNV đã giảm từ 120 người năm 2016 còn 63 người hiện nay).

Đặc biệt trong 2 năm qua bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, hoạt động Công ty hiện trong tình trạng vô cùng khó khăn, từ 5 phòng chiếu chỉ còn 3 phòng hoạt động, CBCNV nghỉ không hưởng lương nhiều tháng… Đến cuối năm 2021, Công ty Điện ảnh Hà Nội đã nợ Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội tổng số tiền hơn 67,7 tỷ đồng và nợ Nhà nước gần 8,9 tỷ đồng.

Các thành viên Đoàn giám sát nêu ý kiến tại buổi làm việc
Các thành viên Đoàn giám sát nêu ý kiến tại buổi làm việc

Theo lãnh đạo Công ty, TP đã có báo cáo ngày 6/12/2021 về kế hoạch sắp xếp lại DN thuộc UBND TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó có sáp nhập Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội vào Tổng Công ty Du lịch Hà Nội. Vì vậy, tập thể lãnh đạo, CBCNV Công ty rất mong nhận được sự quan tâm, xem xét của HĐND, UBND TP và các sở, ngành liên quan.

Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên và các thành viên Đoàn giám sát bày tỏ chia sẻ với những khó khăn của Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội trong hoạt động sản xuất kinh doanh, song cũng nêu nhiều ý kiến đề nghị lãnh đạo đơn vị làm rõ. Đáng chú ý, nhiều ý kiến đặt vấn đề, với 5 cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng đều ở vị trí đặc địa hiện nay, khi các đơn vị thuê để kinh doanh thì so sánh giữa giá cho thuê với giá thuê đất của Nhà nước ra sao, Công ty có phương án thế nào để vừa đảm bảo sử dụng hiệu quả tài sản công của Nhà nước vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình? Từ năm 2014 đến nay đã có cơ quan nào của TP thực hiện kiểm tra rà soát việc cho thuê lại, có kết luận gì? Mặc dù DN vừa liên doanh liên kết vừa thuê lại toàn bộ, nhưng việc thuê lại như vậy vẫn đang nợ nghĩa vụ tài chính lên tới hơn 76 tỷ đồng, là số nợ không phải phát sinh hằng năm mà đã nhiều năm.

Đặc biệt, 5 điểm đất đều là “đất vàng” nhưng được sử dụng không hiệu quả, trong khi trên địa bàn TP nói chung đang rất thiếu quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa. Do đó, sau đợt giám sát, Đoàn kiến nghị HĐND TP có giải pháp góp phần vừa đảm bảo khai thác quỹ đất hiệu quả vừa giải quyết cho Công ty thoát khỏi tình trạng bấp bênh trong đời sống, thu nhập của người lao động.

Siết chặt quản lý các cơ sở nhà, đất thuộc Công ty Điện ảnh Hà Nội - Ảnh 1
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên phát biểu kết luận
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên phát biểu kết luận

Trong phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên khẳng định, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội đã cung cấp thông tin đầy đủ về thực trạng các địa điểm cơ sở nhà, đất được giao quản lý sử dụng; hằng năm có báo cáo các sở ngành liên quan về kết quả thực hiện trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, về mặt chiến lược phát triển lâu dài, Công ty đang rất khó khăn, đặc biệt các điểm đất hiện nay ngoài sử dụng theo mục đích của thiết chế văn hóa, có liên doanh liên kết với các đơn vị, thể hiện có những sai sót trong quản lý sử dụng. Điều này có phần trách nhiệm của Công ty và cũng có trách nhiệm quản lý của các sở ngành liên quan. Vì vậy, Công ty và các sở, ngành có trách nhiệm báo cáo rõ, cụ thể hơn để Đoàn giám sát tổng hợp chung, có ý kiến trong cuộc họp tới đây với UBND TP.

“Lãnh đạo Công ty và các cơ quan liên quan cần suy nghĩ sâu xa hơn, vì đây là địa điểm thiết chế văn hóa, trong điều kiện TP đang thực hiện phát triển lĩnh vực văn hóa rất thiếu địa điểm xây dựng các thiết chế văn hóa mà việc sử dụng thiết chế tại các điểm đất của Công ty lại không hiệu quả, không đúng mục đích. Lĩnh vực hoạt động của Công ty là điện ảnh và còn thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhưng đang thể hiện chưa rõ ràng giữa việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, mà trong vấn đề này có cả phần trách nhiệm quản lý nhà nước của các sở liên quan” - Phó Chủ tịch HĐND TP nêu rõ.