70 năm giải phóng Thủ đô

Siết chặt quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sản lượng luân chuyển trung bình 10 triệu con/năm, chợ Hà Vỹ (huyện Thường Tín) được xem là chợ gia cầm lớn nhất khu vực miền Bắc. Trong bối cảnh cúm gia cầm bùng phát, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại chợ này là rất đáng lo ngại.

Tiểu thương chọn mua gia cầm tại chợ Hà Vỹ (huyện Thường Tín). Ảnh: Trọng Tùng
Quy tụ gia cầm khắp cả nước 
Ghi nhận thực tế, từ 1 - 2 giờ sáng, những xe hàng vận chuyển gia cầm, thủy cầm, chủ yếu là gà, vịt, ngan, đã nườm nượp đổ về chợ Hà Vỹ. Từ đây, gia cầm, thủy cầm được đưa đi tiêu thụ tại khắp các tỉnh, TP lân cận, trong đó, khoảng 60% sản lượng phục vụ tiêu dùng của người dân Thủ đô. Trưởng Ban quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ Lê Thanh Bình cho biết, trung bình mỗi ngày, có khoảng 30 - 35 tấn gia cầm về chợ, những ngày lễ, Tết có thể lên tới 40 - 45 tấn. Nguồn hàng chủ yếu là từ các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hà Nam…, đôi khi có cả những chuyến hàng từ miền Nam (Long An, TP Hồ Chí Minh…) chuyển ra.
Sau khoảng 9 năm đi vào hoạt động, đến nay nhiều hạng mục của chợ gia cầm Hà Vỹ đã xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy thời gian tới, huyện chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư, nâng cấp hạ tầng cho khu chợ. Một mặt bảo đảm các điều kiện kinh doanh an toàn thực phẩm, thứ nữa là đáp ứng nhu cầu kinh doanh của các hộ dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Sỹ Tuyến
Là chợ gia cầm lớn nhất khu vực miền Bắc nên những năm qua, công tác phòng, chống dịch bệnh tại chợ Hà Vỹ được Hà Nội đặc biệt quan tâm. Tất cả các hộ kinh doanh tại chợ đều được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và yêu cầu ký cam kết không buôn bán gia cầm, thủy cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, gia cầm, thủy cầm vận chuyển về chợ được Tổ liên ngành gồm đại diện cơ quan thú y, công an, quản lý thị trường, kiểm tra chặt chẽ niêm phong, kẹp chì, giấy kiểm dịch. Phương tiện vận chuyển cũng được phun thuốc khử trùng trước khi vào chợ… Nhờ đó, kể từ khi đi vào hoạt động năm 2011 đến nay, tại chợ Hà Vỹ chưa ghi nhận trường hợp gia cầm, thủy cầm chuyển đến bị mắc bệnh.
Không chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh
Trước bối cảnh dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ lây lan tại nhiều địa phương, bao gồm cả Hà Nội, công tác phòng, chống dịch bệnh tại chợ Hà Vỹ rất được quan tâm. Hiện, Tổ vệ sinh môi trường của chợ gia cầm Hà Vỹ tiến hành dọn dẹp vệ sinh môi trường hàng ngày. Định kỳ 1 lần/tháng, chợ đóng cửa để tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng toàn khu chợ...
Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi Nguyễn Đăng Thênh cho biết, từ khi cúm gia cầm bùng phát, địa phương thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về nguy cơ lây lan của dịch bệnh để các hộ kinh doanh biết, chủ động phòng chống. Bên cạnh đó, công tác giám sát gia cầm, thủy cầm đưa về chợ cũng được tăng cường. Theo ông Thênh, trong chợ hiện có 161 hộ kinh doanh, tuy nhiên chỉ có 63 cơ sở có đăng ký. “Địa phương đang xem xét, tiến tới yêu cầu các hộ bắt buộc phải đăng ký nếu muốn kinh doanh tại chợ nhằm kiểm soát nguồn hàng và nguy cơ lây lan dịch bệnh trên gia cầm” – ông Thênh cho hay.
Tại cuộc giám sát việc bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm tại chợ gia cầm Hà Vỹ mới đây, đoàn liên ngành Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá, nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh trên gia cầm, thủy cầm tại khu chợ vẫn rất cao. Nguyên nhân đến đến từ diễn biến thời tiết bất lợi; điều kiện vệ sinh môi trường, thoát nước tại khu chợ chưa tốt... Đặc biệt là việc tiếp nhận nguồn hàng rất lớn từ rất nhiều tỉnh, TP trên khắp cả nước.
Để bảo đảm công tác an toàn dịch bệnh tại chợ gia cầm Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đề nghị huyện Thường Tín quan tâm, đầu tư nâng cấp hạ tầng cho chợ Hà Vỹ. Đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm. Trong đó, chú trọng giám sát chặt nguồn gốc, xuất xứ gia cầm kinh doanh tại khu chợ và tăng tần suất vệ sinh môi trường.