Theo lãnh đạo TLĐLĐ, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã khẳng định phải chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước - yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh nền kinh tế. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các trường nghề của tổ chức công đoàn có vai trò rất quan trọng.
Mặc dù vậy, thực tiễn các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn hầu hết được chuyển đổi, nâng cấp từ hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm của tổ chức công đoàn nên gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, giáo trình và thiết bị dạy học; đội ngũ cán bộ, quản lý dạy nghề thiếu kinh nghiệm; giáo viên dạy nghề thiếu về lượng và hạn chế về chất, chưa được nhà nước tập trung đầu tư. Nhất là, cán bộ, giáo viên, công nhân viên hầu như không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN), mà chủ yếu tự cân đối thu chi, tự chủ về tài chính, có hỗ trợ một phần từ ngân sách công đoàn và rất ít từ NSNN. Các cơ sở dạy nghề của công đoàn còn phải cạnh tranh mạnh mẽ với các cơ sở dạy nghề của nhà nước ra đời sớm, được đầu tư đầy đủ hơn.
Tuy nhiên gần đây, các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn trên cả nước đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, trung bình mỗi năm đào tạo trên 40.000 công nhân, lao động; tỷ lệ học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm đạt 80-85%, thu nhập bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều cơ sở dạy nghề năng động, sáng tạo mở rộng ngành nghề đào tạo, đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, có nhiều cách tuyển sinh mới, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo...
Dù đã đạt một số kết quả bước đầu, song “phía trước đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi mỗi cơ sở dạy nghề của công đoàn phải cố gắng, năng động và sáng tạo hơn để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị là đào tạo đội ngũ công nhân lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”, ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu này, Đoàn Chủ tịch TLĐLĐ đã yêu cầu các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn trước hết phải thực hiện nghiêm Quyết định 1400 của TLĐLĐ về chỉ tiêu đào tạo nghề trong 3 năm (2015-2017). Cụ thể mỗi năm, đối với trường cao đẳng nghề phải đào tạo 700 học viên, trường trung cấp nghề 500 học viên, trung tâm dạy nghề 150 học viên. Hết năm 2017, nếu cơ sở dạy nghề nào không đạt chỉ tiêu đào tạo nghề của cả 3 năm và các trường trung cấp nghề không đủ điều kiện về diện tích đất theo quy định hiện hành, TLĐLĐ và các LĐLĐ tỉnh, TP sẽ xem xét, giải thể, sắp xếp lại hoặc chuyển đổi hình thức hoạt động, thu hồi đất để sử dụng vào mục đích khác. Các cơ sở dạy nghề nếu có 2 năm không hoàn thành chỉ tiêu TLĐLĐ giao thì sẽ thay hiệu trưởng trường, giám đốc trung tâm.
Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ sẽ tiếp tục rà soát 4 trung tâm dạy nghề và 3 trung tâm giới thiệu việc làm tại một số tỉnh, TP; trung tâm nào hoạt động không hiệu quả, không thực hiện được các chỉ tiêu TLĐLĐ giao, ngân sách công đoàn vẫn phải chi hoạt động, thì sẽ bị xem xét chuyển đổi hoặc giải thể. Ngoài ra, lãnh đạo TLĐLĐ cũng yêu cầu các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng mở, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội… “Từ năm 2017, LĐLĐ các tỉnh, TP không sử dụng ngân sách công đoàn để chi hoạt động thường xuyên và mua sắm thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề, nếu việc đầu tư này không hiệu quả”, ông Cường nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đại diện LĐLĐ, cơ sở dạy nghề… từ các tỉnh, TP đã bàn thảo nhiều giải pháp nâng cao hoạt động các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn; đồng thời góp ý vào dự thảo “Quy chế sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức quản lý các cơ sở dạy nghề”, để Đoàn chủ tịch TLĐLĐ hoàn thiện văn bản và ban hành trong thời gian sớm nhất.