Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Siết chặt quy định tầng lánh nạn tại chung cư cao tầng

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hàng loạt sự cố về phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các dự án nhà chung cư cao tầng, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn quốc gia QCVN 06:2020/BXD (Quy chuẩn 06:2020) về an toàn cháy cho nhà và công trình. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định trong quy chuẩn này cần phải có sự bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế và cơ quan quản lý cần có biện pháp siết chặt quy định này.

Tràn lan vi phạm
Thời gian gần đây, tại nhiều dự án chung cư cao tầng công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ xảy ra nhiều bất cập, lực lượng chức năng đã vào cuộc xử lý nhưng chưa thực sự quyết liệt, khiến cho tình trạng vi phạm mới liên tục phát sinh, nhiều trường hợp đã bị xử lý nhưng sau đó cũng không nghiêm túc thực hiện. Do những vấn đề về lợi nhuận, nên một số chủ đầu tư đã cắt xén bớt những hạng mục liên quan đến an toàn của người dân sinh sống tại dự án.
Mới đây, Công an TP Hà Nội thực hiện tổng kiểm tra công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn, phát hiện 45 cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ, trong đó có hàng loạt chung cư đã đưa vào sử dụng. Đơn cử, tòa nhà CC2 thuộc Khu đô thị mễ Trì Hạ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty CP Tu tạo và Phát triển nhà làm chủ đầu tư cũng chưa chỉnh lý, bổ sung quản lý theo dõi hoạt động về PCCC của cơ sở chưa đầy đủ. Không đảm bảo yêu cầu PCCC khi khu vực tầng 1 ngăn chia mặt bằng không đảm bảo điều kiện thoát nạn. Cơ sở thuộc diện phải trang bị báo cháy tự động, tuy nhiên chưa trang bị.
Dự án Hinode City (201 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị phạt hành chính số tiền 103 triệu đồng do không đảm bảo công tác PCCC (Ảnh internet).
Tại tòa nhà The Sun thuộc Khu đô thị Mễ Trì Hạ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty CP Đầu tư và Sản xuất Thái Dương làm chủ đầu tư có nhiều hạng mục chưa đảm bảo yêu cầu PCCC. Cụ thể: Chưa có thông báo cam kết đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC; Khu vực khối đế thương mại tiến hành cải tạo mặt bằng so với thiết kế được thẩm duyệt, chưa được thẩm duyệt bổ sung về PCCC theo quy định; Chưa tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC và cứu nạn cứu hộ cho đội viên đội PCCC của toà nhà; Chưa tổ chức diễn tập phương án chữa cháy; Phương án chữa cháy của cơ sở chưa được phê duyệt theo quy định...
Trước đó, Cơ quan công an cũng đã lập biên bản vi phạm công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ đối với Khu chung cư Ecolife Capitol, phát hiện hệ thống tăng áp ở hành lang các tầng và hệ thống hút khói ở tầng hầm hoạt động chậm, đám khói ở xa miệng hút khói thì chưa tạo ra dòng không khí hướng về phía miệng hút của hệ thống hút khói, khói bị quẩn sang hướng khác. Việc ngăn chia khu vực thương mại tại Khu chung cư này chưa đúng với hồ sơ đã được thẩm định, không đảm bảo yêu cầu PCCC. Chung cư cao cấp này cũng chưa mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định; Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ xử phạt vi phạm hành chính Tổng công ty CP Thương mại Xây dựng vì lắp đặt không đúng thiết kế PCCC tại dự án Hinode City (201 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với số tiền 103 triệu đồng...
Cần thực hiện nghiêm theo quy định
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, Quy chuẩn 06:2020, được ban hành kèm theo Thông tư 01/2020/TT-BXD, quy định cần phải có tầng lánh nạn đối với nhà có chiều cao từ 100 - 150m, đây là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân và khách vãng lai khi xảy ra cháy, trong lúc chờ được cứu hộ cứu nạn.
Tuy nhiên, quy định tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng đối với nhà có chiều cao từ 100 - 150m đã xuất hiện một số điểm bất cập, như: tòa nhà có chiều cao từ 100 - 150m thường có khoảng 30 - 50 tầng (chiều cao thông tầng tính từ mặt sàn đến mặt sàn thường khoảng 3,9 - 4,3m). Theo quy định tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng, thì tòa nhà phải có 1 hoặc 2 tầng lánh nạn, tùy theo chiều cao tòa nhà.
“Tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng. Nhà có 30 - 40 tầng bố trí 1 tầng lánh nạn; Nhà có 41 - 50 tầng bố trí 2 tầng lánh nạn. Không tính diện tích sàn tầng lánh nạn vào tổng diện tích sàn xây dựng khi tính hệ số sử dụng đất của dự án. Không tính chiều cao của tầng lánh nạn vào chiều cao tối đa của công trình. Không cho phép bố trí các căn hộ hoặc một phần căn hộ, văn phòng trên tầng lánh nạn. Không cho phép bố trí các hoạt động thương mại trên tầng lánh nạn” – ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.
Cư dân dự án Ecolife Capitol phản đối chủ đầu tư không thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo an ninh, an toàn cho cư dân (Ảnh: Doãn Thành).
Đồng quan điểm, chuyên gia Trần Quốc Việt cho rằng, Chính phủ đã ban hành Luật PCCC và nhiều nhiều quy định về an toàn PCCC, cứu hộ và cứu nạn, đặc biệt là đối với các tòa nhà cao tầng. Nhưng bên cạnh một số bất cập về Luật thì việc trang bị phương tiện phục vụ công tác PCCC còn hạn chế, vì ngày càng có nhiều tòa nhà cao tầng có chiều cao ngoài tầm với của xe thang chữa cháy, như: tòa nhà Landmark 81 (TP Hồ Chí Minh), tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower (Hà Nội), tòa nhà Lotte Center Hanoi... trong khi đó, các vụ cháy xảy ra tại nhà cao tầng thường phát sinh nhiều khói và khí độc gây nguy khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ.
“Cần siết chặt quy định về PCCC, cứu nạn, cứu hộ tại các dự án chung cư cao tầng, ngoài việc yêu cầu về tầng cứu hộ khi cấp phép xây dựng, thì cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với những chủ đầu tư không tuân thủ đúng theo quy định. Theo tôi giải pháp là tăng gấp 2 – 3 lần chế tài xử phạt hành chính và xem xét không cấp mới dự án đầu tư cho những chủ đầu tư đã vi phạm” – ông Trần Quốc Việt nhìn nhận.