Siết điều kiện “phạt cho tồn tại”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Thông tư số 02/2014, Bộ Xây dựng đã quy định chi tiết về xử phạt hành vi xây dựng sai phép. Theo đó, phần xây dựng sai phép sẽ được "hợp pháp hóa" sau khi nộp phạt với mức phạt thấp nhất là 40% giá trị của số lợi bất hợp pháp có được từ việc xây dựng sai phép.

Chỉ áp dụng với công trình đã hoàn thành

Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 02/2014/TT-BXD (TT 02) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP (NĐ 121) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.

Việc áp dụng các khoản phạt có giá trị lớn với hành vi xây dựng sai phép, không phép quy định tại NĐ 121 từng gây xôn xao dư luận. Quy định này được xem như hợp pháp hóa hình thức "phạt cho tồn tại" - câu chuyện gây ra không ít điều nhức nhối tại các đô thị lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, hình thức này sẽ cổ xúy cho việc xây dựng sai phép, không phép, làm xói mòn kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng đô thị. Tuy nhiên, cái lý của nhà quản lý đó là vừa xiết chặt kỷ cương nhưng cũng phải tính đến phương cách để xử lý những vấn đề tồn tại mang tính "lịch sử để lại".

 
Theo quy định mới, phần xây dựng sai phép sẽ bị phạt thấp nhất 40% giá trị số lợi bất hợp pháp. 	 Ảnh: Linh Anh
Theo quy định mới, phần xây dựng sai phép sẽ bị phạt thấp nhất 40% giá trị số lợi bất hợp pháp. Ảnh: Linh Anh

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 13 của NĐ 121, hành vi xây dựng sai phép (đối với cả trường hợp sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới), không phép, mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Tại TT 02, Bộ Xây dựng đã bổ sung thêm điều kiện "ràng buộc", theo đó Khoản 9 Điều 13 NĐ 121 chỉ được áp dụng đối với trường hợp khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì hành vi này đã kết thúc, công trình xây dựng đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được duyệt, sai quy hoạch hoặc sai thiết kế đô thị được duyệt đối với nhà ở riêng lẻ được tính bằng số mét vuông xây dựng vi phạm nhân với giá tiền 1m2 xây dựng tại thời điểm vi phạm cộng với số mét vuông đất xây dựng vi phạm nhân với giá tiền 1m2 đất do UBND cấp tỉnh ban hành hàng năm. Trong đó, giá trị đất được xác định theo nguyên tắc: Tầng 1 (hoặc tầng trệt) tính bằng 100% giá tiền 1m2 đất tại vị trí đó nhân với số mét vuông đất xây dựng vi phạm. Từ tầng 2 trở lên tính bằng 50% giá tiền 1m2 đất tại tầng 1 nhân với số mét vuông đất xây dựng vi phạm.

Hướng xử lý với các công trình vi phạm trước ngày 2/4/2014

TT 02 chính thức có hiệu lực từ ngày 2/4/2014. Bởi vậy, đối với các trường hợp áp dụng chuyển tiếp (quy định tại Điều 70 NĐ 121), Bộ Xây dựng quy định rõ: Đối với hành vi vi phạm hành chính được phát hiện, lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế phá dỡ trước ngày NĐ 121 có hiệu lực thi hành nhưng đến ngày NĐ này có hiệu lực mà chưa thi hành và còn trong thời hạn thi hành thì tiếp tục thi hành. Hành vi vi phạm hành chính xảy ra trước ngày NĐ 121 có hiệu lực thi hành mà sau ngày NĐ này có hiệu lực thi hành mới bị phát hiện (mà còn trong thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính) hoặc phát hiện trước đó nhưng chưa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và còn thời hạn ban hành quyết định xử phạt, nếu áp dụng NĐ 121 có lợi cho tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm đó thì áp dụng NĐ 121.

Với hành vi xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt, sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt mà đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế phá dỡ theo quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP nhưng chưa thực hiện, nếu xét thấy việc xây dựng không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp và trong quy hoạch đất này được phép xây dựng thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xem xét, quyết định hủy quyết định cưỡng chế phá dỡ. Đồng thời, ban hành quyết định áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả thu hồi số lợi bất hợp pháp có được theo quy định tại NĐ 121 và TT 02.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần