"Siết" kiểm soát kinh doanh xăng dầu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp quy định của pháp luật, các trường hợp sản xuất, kinh doanh xăng giả, xăng lậu vẫn lộng hành với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. Thực trạng này đang khiến cho công tác đấu tranh, ngăn chặn vi phạm của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) gặp không ít khó khăn.

Xăng giả, xăng lậu gây hệ lụy khó lường

Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương, trong năm 2021, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra hơn 2.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, xử lý 240 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong 1 - 2 năm trở lại đây, các lực lượng chức năng như công an, biên phòng, cảnh sát biển, QLTT đã phát hiện rất nhiều đường dây nhập lậu xăng dầu, thậm chí pha chế xăng dầu ngay tại thị trường nội địa do lợi nhuận rất cao. Điển hình, gần đây nhất, lực lượng công an đã khởi tố vụ 200 triệu lít xăng dầu giả tại Đồng Nai.

Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra bể chứa xăng một cửa hàng kinh doanh xăng dầu
Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra bể chứa xăng một cửa hàng kinh doanh xăng dầu

Lý giải về nguyên nhân xăng giả, xăng lậu vẫn có “đất sống”, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, hiện nay việc mua bán chất dung môi, phụ gia, chế phẩm dùng để pha chế xăng dầu trên thị trường khá dễ dàng, nếu các đối tượng cố ý gian lận về xăng dầu sẽ rất dễ thực hiện.

Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ, các văn bản của cơ quan quản lý nhà nước tương đối đầy đủ trong vấn đề chống hàng giả, song lại thiếu những văn bản cụ thể xác định thế nào là xăng dầu giả, kém chất lượng...

Đáng nói, cơ quan QLTT cũng chưa được cấp thiết bị, máy móc để kiểm tra nhanh chất lượng xăng dầu, thiếu kho bồn chuyên dụng chứa xăng dầu vi phạm. Do vậy, khi kiểm tra, tạm giữ cơ bản, phải đi thuê kho, thậm chí lại giao cho DN tự bảo quản, dẫn đến khó kiểm soát, gây thất thoát và khó khăn trong quá trình xử lý tang vật.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Trịnh Quang Khanh nhận định, tình trạng buôn bán xăng giả, xăng lậu không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế mà còn ảnh hưởng tới các nhà sản xuất, nhà phân phối và khách hàng. Làm một phép tính đơn giản, mỗi lít xăng dầu lậu nếu không phải chịu các loại thuế phí đã "ăn không" được khoảng 6.000 - 7.000 đồng.

Hiện mỗi năm, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước khoảng 20 triệu tấn, trong đó xăng dầu trong nước tự chủ 60 - 70%, số còn lại phải nhập khẩu. Đây là điều kiện lý tưởng cho một số đối tượng bất chấp quy định, sẵn sàng thực hiện các hành vi vi phạm, nhập lậu, pha chế sản phẩm kém chất lượng để đưa ra thị trường tiêu thụ nhằm kiếm lời bất chính. Ðiều này gây thất thu cho ngân sách rất lớn, lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Nâng mức phạt, tăng kiểm tra đột xuất

Tình trạng buôn bán xăng dầu giả, nhập lậu, kém chất lượng diễn biến ngày càng phức tạp không chỉ gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các DN làm ăn chân chính mà còn làm lũng đoạn thị trường, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN.

Lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra một cửa hàng bán lẻ xăng dầu 
Lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra một cửa hàng bán lẻ xăng dầu 

Chính vì vậy, các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ, giám sát các DN phân phối, có biện pháp quản lý chất lượng và QLTT nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Nhận định tình trạng xăng dầu giả, nhập lậu, kém chất lượng là vấn đề nhức nhối nhiều năm qua, ông Trần Hữu Linh cho biết, lực lượng QLTT vẫn luôn xác định xăng dầu là mặt hàng trọng điểm trong công tác kiểm tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Những vi phạm về chất lượng xăng dầu là rất phổ biến, bởi hiện nay việc pha chế xăng dầu ở thị trường nội địa dẫn đến xăng dầu kém chất lượng là có và tương đối nhiều.

“Trước thực trạng này, cần có một hệ thống phối hợp kiểm tra, quản lý xuyên suốt, chặt chẽ. Việc ngăn chặn xăng dầu nhập lậu vào trong nội địa cần làm ngay từ biên giới, trong đó mắt xích là lực lượng biên phòng, hải quan. Trong nội địa, QLTT sẽ phối hợp cùng các lực lượng thanh tra chuyên ngành phát hiện cây xăng, cửa hàng xăng dầu bán hàng kém chất lượng để lấy mẫu, kiểm tra” - ông Trần Hữu Linh cho hay.

Thời gian tới, để kiểm soát, giữ ổn định thị trường cũng như bảo vệ quyền lợi của người dân, DN, lực lượng QLTT cả nước tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Công Thương, đặc biệt là những công điện khẩn liên quan đến tình hình ổn định của giá xăng dầu, chống mọi hành vi gian lận thương mại liên quan đến xăng dầu. Song song đó, theo dõi, giám sát, tiến hành kiểm tra đột xuất các hành vi vi phạm, đặc biệt là qua đường dây nóng của lực lượng QLTT.

Ngoài ra, lực lượng QLTT tiếp tục rà soát, đánh giá lại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua, có biện pháp xác minh làm rõ. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra đột xuất và áp dụng các hình thức xử phạt và xử phạt bổ sung mang tính răn đe cao.

Cùng với đó, chú trọng hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tiết kiệm việc sử dụng xăng dầu cũng như tố giác vi phạm nhằm hỗ trợ lực lượng QLTT trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời các vụ việc vi phạm.

 

Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và nhiều ngành cùng tham gia quản lý. Do đó, các đơn vị liên quan như: Thuế, công an, hải quan, biên phòng, QLTT cần tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm, hạn chế chồng chéo và đổ lỗi trách nhiệm khi xảy ra những vấn đề gây bức xúc dư luận. Ðồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để giảm đến mức thấp nhất hành vi vi phạm liên quan lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng