Siết quản lý, giám sát quỹ bình ổn giá xăng dầu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Quỹ bình ổn giúp kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu, tránh được những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân. Tuy nhiên, quản lý, giám sát quỹ này như thế nào để không xảy ra hành vi chiếm đoạt, gây thất thoát vẫn là bài toán khó.

Thất thoát quỹ bình ổn giá xăng dầu

Quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền của người dân được thu qua giá bán lẻ xăng dầu nhằm mục tiêu bình ổn giá. Quỹ này hiện được điều chỉnh bởi quy định tại Thông tư 103/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính. Thông tư nêu rõ, toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.

Nhiều lỗ hổng liên quan đến quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu đã xảy ra trong thời gian qua. Ảnh minh họa
Nhiều lỗ hổng liên quan đến quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu đã xảy ra trong thời gian qua. Ảnh minh họa

Việc chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành, hoặc việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ được chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương – Tài chính

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều lỗ hổng liên quan đến quản lý quỹ đã xảy ra, gây nguy cơ thất thoát, bị chiếm dụng, khó thu hồi. Đơn cử như, vụ việc Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil om hàng trăm tỷ đồng tiền quỹ, nhưng chỉ tới khi lãnh đạo công ty bị bắt thì vấn đề này mới được phát hiện. Hay vụ việc Công ty CP Thương mại, Tư vấn, Đầu tư, Xây dựng Bách Khoa Việt cũng chỉ mới trích lập một phần quỹ, số còn tiền còn lại công ty này đã chiếm đoạt.

Mới đây nhất là câu chuyện Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà với khoản tiền gần 270 tỷ đồng quỹ bình ổn xăng dầu đã bị Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Long Biên cấn trừ nợ và vẫn chưa trả lại.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng phát hiện 6 doanh nghiệp đầu mối vi phạm cả về việc kết chuyển không đúng quy định theo Nghị định 95, không có phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng quỹ.

Những vụ việc trên cho thấy vi phạm trong quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu không phải là chuyện đơn lẻ mà diễn ra trên diện rộng ở các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu do tư nhân sở hữu. Điều này đặt ra vấn đề phải có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả hơn.

Cần có cơ chế giám sát, quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu chặt chẽ, hiệu quả hơn. Ảnh minh họa
Cần có cơ chế giám sát, quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu chặt chẽ, hiệu quả hơn. Ảnh minh họa

Nêu quan điểm về vấn đề này, nhiều chuyên gia đánh giá, quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền đóng góp của người dân, nhưng doanh nghiệp quản lý lại dùng tiền vào mục đích khác là không công bằng. Việc giao quỹ cho doanh nghiệp nhưng quản lý lỏng lẻo mới dẫn đến hệ luỵ doanh nghiệp đầu mối xăng dầu không tuân thủ quy định về quỹ bình ổn xăng dầu như: không phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng quỹ, không kết chuyển số dư quỹ vào tài khoản ngân hàng. Thậm chí có doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đã tùy ý “mượn” quỹ bình ổn xăng dầu để bù đắp, có doanh nghiệp chiếm dụng quỹ để thế chấp ngân hàng.

Chặt chẽ, minh bạch trong quản lý

Khuyến nghị về giải pháp trong quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu, TS Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, trước hết phải minh bạch hoạt động trích lập quỹ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Tiền trích lập được gửi vào tài khoản quỹ bình ổn giá xăng dầu được đăng ký tại ngân hàng. Từng số liệu trích lập được báo cáo cụ thể, có sự kiểm tra, xác minh của cơ quan quản lý. Những việc này cần khai thác các ứng dụng công nghệ, để kiểm soát từng con số liên quan đến sản lượng, chủng loại xăng dầu thực hiện trích lập, không thể sai lệch hoặc cố tình gian dối.

Thứ hai là sử dụng quỹ, tiền không phải của doanh nghiệp, chỉ sử dụng cho hoạt động bình ổn giá xăng dầu, nên ngoài hoạt động bình ổn giá xăng dầu theo thông báo của Liên Bộ Công Thương – Tài chính, doanh nghiệp không có quyền động đến quỹ với bất kỳ lý do nào khác, ngân hàng sẽ giám sát và thông báo cho cơ quan quản lý khi có dấu hiệu sai phạm.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Học viên Tài chính, cơ quan quản lý cần giám sát quỹ, trong đó kết hợp cả hình thức giám sát gián tiếp và trực tiếp. Đối với hình thức gián tiếp, định kỳ hàng tháng (có thể vào ngày 15 hàng tháng), thương nhân đầu mối phải báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình hình thực hiện quỹ của tháng trước liền kề và báo kết quả thực hiện từng kỳ điều hành thu chi của quỹ.

Đối với hình thức trực tiếp, Bộ Công Thương cần áp dụng công nghệ kết nối thông tin về quỹ với các thương nhân đầu mối và với ngân hàng thương mại nơi thương nhân mở tài khoản để kiểm soát di biến động của dòng tiền.

Riêng về chế tài xử phạt, để tăng sức răn đe, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, doanh nghiệp vi phạm nhẹ thì xử lý hành chính, nặng hơn thì không cho phép tiếp tục làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đối với doanh nghiệp chiếm đoạt quỹ, khởi tố hình sự và trừng phạt theo quy định của pháp luật.

 

Tính đến hết quý II/2023, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức hơn 7.400 tỷ đồng. Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ, nếu duy trì quỹ bình ổn xăng dầu, cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm của ngân hàng với tài khoản doanh nghiệp xăng dầu mở tại đây, đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động bán hàng xăng dầu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi