Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Siết quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Quỹ bình ổn giúp kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu, tránh được những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân. Tuy nhiên, quản lý, giám sát quỹ này sao cho hiệu quả vẫn là bài toán khó.

Vì sao gần 1 năm qua không chi, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Từ tháng 10/2023 đến nay, đã qua rất nhiều kỳ điều hành, nhưng Quỹ BOG vẫn không được cơ quan chức năng sử dụng. Điều này không khỏi gây thắc mắc cho nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng. 

Quỹ bình ổn giá xăng dầu không được trích, chi sử dụng trong gần 1 năm qua. Ảnh minh họa 
Quỹ bình ổn giá xăng dầu không được trích, chi sử dụng trong gần 1 năm qua. Ảnh minh họa 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, nguyên nhân khiến các cơ quan chức năng không sử dụng Quỹ BOG trong thời gian vừa qua là do quy định trong Thông tư 103/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính. Quỹ BOG chỉ được sử dụng khi chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố với giá cơ sở kỳ trước liền kề tăng từ 7% trở lên. Trong các kỳ điều hành gần đây, mức tăng giá cơ sở của hầu hết các mặt hàng xăng dầu đều dưới 7% nên không cần trích quỹ. 

“Mục tiêu của Quỹ BOG là được sử dụng khi giá bất ổn, nhưng giá xăng dầu trong nước hiện đang ổn định, nguồn cung dồi dào và giá hợp lý. Vì thế, việc không sử dụng quỹ là điều dễ hiểu” - ông Nguyễn Ngọc Bảo nói.  

Lý giải những thắc mắc về việc sử dụng Quỹ BOG, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Thúy Hiền cho biết, việc không trích, không chi Quỹ BOG trong gần 1 năm qua là do tuân theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá xăng trong thời gian 7 ngày để sát với giá thế giới và mức giá điều chỉnh chưa đạt theo quy định tại Thông tư 103/2021 của Bộ Tài chính nên cơ quan chức năng không tiến hành chi, trích sử dụng. Còn việc tồn quỹ thì vẫn được thực hiện theo Nghị định 80/NĐ-CP của Chính phủ, quỹ vẫn để tại doanh nghiệp và do Ngân hàng Nhà nước phong toả. 

“Kể từ khi thực hiện điều hành giá xăng dầu rút xuống 7 ngày/lần theo Nghị định 80/NĐ-CP, mức biến động giữa 2 lần điều chỉnh giá không lớn, giá xăng dầu trong nước đã bám sát diễn biến giá thế giới, do đó ít khi phải trích lập quỹ và hoàn toàn không phải chi quỹ” - bà Nguyễn Thúy Hiền cho hay.

Băn khoăn bỏ hay giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Nêu quan điểm về vấn đề quản lý hoạt động Quỹ BOG, ông Nguyễn Ngọc Bảo phân tích: việc chưa có quy định rõ ràng về việc sử dụng Quỹ BOG đã dẫn đến một số doanh nghiệp sử dụng sai mục đích. Đó là nguyên nhân cơ bản khiến quỹ hoạt động không hiệu quả.

Quản lý hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn là bài toán khó. Ảnh minh họa 
Quản lý hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn là bài toán khó. Ảnh minh họa 

“Có thời điểm giá xăng cao nhất lên đến hơn 33.000 đồng/lít vào năm 2021 và có thời điểm giá xăng xuống mức thấp nhất với hơn 15.000 đồng/lít, cơ quan điều hành đều sử dụng một công cụ giống hệt nhau, cách tính giống nhau. Do vậy,  thay vì để quỹ tại doanh nghiệp, nên để vào một quỹ tập trung hoặc một tài khoản riêng do Chính phủ hay Bộ Tài chính quản lý vì phương án này sẽ khắc phục những bất cập về sử dụng quỹ, minh bạch thông tin” - ông Nguyễn Ngọc Bảo đề xuất. 

TS Vũ Vinh Phú nhận định, Quỹ BOG tại Việt Nam là hình thức người dân nộp tiền trước để được bình ổn giá cho mình. Chẳng hạn, khi giá xuống thấp thì người dân phải mua cao hơn để trích chi vào Quỹ BOG. Ngược lại, khi giá xăng, dầu tăng cao thì sử dụng quỹ này để giảm giá bán lẻ, song thực tế vẫn là lấy tiền của dân. Như vậy có thể hiểu, giá xăng, dầu tăng hay giảm không phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến thị trường mà phụ thuộc một phần vào nhà điều hành.

Mục tiêu ban đầu của quỹ là rất tích cực, bởi các cơ quan chức năng ban hành quỹ với mong muốn bình ổn giá xăng dầu, vốn là mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống. Từ năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất bỏ Quỹ BOG thay thế bằng các công cụ điều hành khác như thuế phí, dự trữ xăng dầu quốc gia...nhưng chưa được các cơ quan chức năng đồng ý.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, nên giữ Quỹ BOG bởi đây là biện pháp kinh tế, không phải can thiệp hành chính. Trong điều kiện hiện nay, khi thị trường xăng, dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật của thị trường, có sự điều hành của Nhà nước thông qua giá cơ sở; cùng với đó, lượng dự trữ xăng, dầu của Việt Nam còn mỏng thì việc tiếp tục duy trì Quỹ BOG là cần thiết. Đây sẽ là công cụ nhằm thực hiện tốt vai trò điều hòa, góp phần giảm biên độ biến động giá... Từ đó giảm tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và kiểm soát lạm phát.

 

Hiện nay, có doanh nghiệp đang giữ đủ quỹ, số dư vẫn nằm trong tài khoản ngân hàng và đang phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp này. Có doanh nghiệp đang bị điều tra về số dư của quỹ, Bộ Công Thương sẽ chuyển hồ sơ về cơ quan điều tra để xem xét theo thẩm quyền và sau này xử lý bằng cách thu hồi.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Thúy Hiền