Siết quy định hoạt động của công chứng viên

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là một trong những quy định mới của Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 06/2015/TT - BTP ngày 15/6/2015 (Thông tư 06) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng do Bộ Tư pháp đang soạn thảo, đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

Hoạt động tại một Văn phòng công chứng ở Hà Nội.
Sau 3 năm triển khai thi hành Thông tư 06 cho thấy, việc thực hiện các thủ tục liên quan đến việc bổ nhiệm công chứng viên, đăng ký hành nghề, cấp thẻ công chứng viên, đăng ký thay đổi nội dung hoạt động của văn phòng công chứng… đã công khai, minh bạch và nhanh chóng, đảm bảo quyền lợi của các tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Việc đào tạo nghề công chứng, tổ chức khóa bồi dưỡng nghề công chứng, bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm đã được thực hiện tương đối tốt. Hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng trở nên chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn, đặc biệt là việc áp dụng thống nhất một số mẫu giấy tờ trong hoạt động công chứng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Thông tư 06 cũng cho thấy còn có hạn chế, tồn tại như một số quy định liên quan đến thủ tục bổ nhiệm công chứng viên, đăng ký hành nghề, cấp Thẻ công chứng viên còn chưa chặt chẽ; một số thủ tục chưa đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Quy định về xử lý đối với công chứng viên vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm chưa nghiêm nên số công chứng viên hoàn thành nghĩa vụ bồi dưỡng còn chiếm tỷ lệ thấp. Mặt khác, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam chưa được thành lập, do đó, chưa có cơ quan đứng ra xử lý công chứng viên vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm. Đặc biệt, Thông tư 06 chưa có quy định về các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên của văn phòng công chứng.

Theo Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến, Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 06 bổ sung điều mới quy định về các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên của văn phòng công chứng và việc giải quyết quyền lợi của công chứng viên chấm dứt tư cách thành viên hợp danh. Theo đó, Điều 23 quy định 5 trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh trên cơ sở quy định của cả Luật Công chứng và Luật Doanh nghiệp. Cụ thể, công chứng viên chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của văn phòng công chứng trong các trường hợp sau đây: Theo nguyện vọng cá nhân; đã có quyết định miễn nhiệm công chứng viên; bị Tòa án tuyên bố mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự... các trường hợp khác do điều lệ của văn phòng công chứng quy định. Đối với mỗi trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh, dự thảo cũng quy định về cách giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng.

Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi theo hướng quy định bồi dưỡng đạo đức hành nghề công chứng là một trong những nội dung bồi dưỡng hàng năm nhằm tăng cường ý thức, trách nhiệm về đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên. Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng bổ sung hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với công chứng viên vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm. Đồng thời, quy định trách nhiệm của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và các hội công chứng viên trong việc xử lý kỷ luật công chứng viên vi phạm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần