Rủi ro đến với bé L.H.L ngày 6/8 vừa qua là một sự cố hy hữu nhưng là hồi chuông báo động, nhắc nhở người lớn về sự chủ quan, lơi là trước những rủi ro bất ngờ với trẻ nhỏ. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định: “Đưa đón học sinh tập trung bằng ô tô là tốt và cần thiết, vừa giúp các gia đình bớt đi một phần công việc, vừa đảm bảo an toàn hơn cho trẻ em. Vấn đề là quy trình đưa đón đã không được thực hiện bài bản, chặt chẽ”. Ông Thắng phân tích, từ việc lựa chọn phương tiện, người lái, người tham gia đưa đón, cho đến các kỹ năng cơ bản cho học sinh trên hành trình đến trường đều gần như bị quên lãng.
Ủy ban ATGT quốc gia đã chỉ đạo khẩn, yêu cầu Bộ GTVT rà soát, nghiên cứu, bổ sung các quy định pháp luật và hướng dẫn cụ thể đối với loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng để đưa đón học sinh từ bậc mầm non đến THCS. |
Ở nhiều nước phát triển, xe đưa đón học sinh được xếp vào diện xe buýt, với ưu tiên tối đa và vận hành theo những nguyên tắc cực kỳ khắt khe. Xe buýt học sinh có “đồng phục” riêng với màu sắc đặc trưng và thiết kế chuyên biệt. Hệ thống ghế ngồi, cửa kính, cảnh báo an toàn đều chỉ hướng đến đối tượng duy nhất là các em nhỏ. Người lái xe, giáo viên đưa đón cũng được lựa chọn rất kỹ, phải đảm bảo sức khỏe, có kỹ năng giao tiếp tốt với trẻ em, được đào tạo kỹ năng cứu nạn… “Còn ở nước ta, xe đưa đón học sinh là loại dùng chung, không có các yếu tố an toàn cho trẻ nhỏ. Người lái xe và giáo viên đưa đón lại càng không chuyên nghiệp” - ông Thắng nhận định.
Qua sự việc rủi ro của bé L.H.L có thể thấy, một chuyến xe chỉ 13 cháu nhỏ, với một tài xế, một giáo viên mà vẫn “bỏ quên” học sinh đến 9 tiếng đồng hồ trên xe. Thậm chí cháu bé cũng không biết phải làm thế nào để cầu cứu hay tự cứu mình vì chưa được trang bị, ngay cả một thao tác đơn giản là bấm còi xe nếu bị bỏ lại bên trong.
Muộn còn hơn khôngTrưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long chia sẻ: “Muốn tránh được rủi ro, đảm bảo an toàn tối đa cho học sinh, xe đưa đón học sinh cần được quản lý như một loại xe buýt chuyên biệt với những tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp, chặt chẽ”. Ông Đào Việt Long cho rằng, cần xem xét mô hình vận hành, quản lý xe buýt học sinh của các nước phát triển trên thế giới, từ đó rút kinh nghiệm, xây dựng bộ quy chuẩn riêng quản lý phương tiện chở học sinh tại Việt Nam. Xe ô tô chở học sinh cần được xếp vào loại xe ưu tiên, có gắn biển hiệu, có đèn ưu tiên và được đi vào làn đường ưu tiên… Trên xe có thể lắp các thiết bị đặc biệt như camera theo dõi, nút bấm cầu cứu, các thiết bị cứu nạn tối thiểu, dễ sử dụng với trẻ nhỏ...
“Quan trọng hơn hết là phải đào tạo kỹ năng cho cả người lái xe, giáo viên và đặc biệt là trẻ nhỏ” - ông Long nhấn mạnh. Người lái xe phải tuân thủ quy trình, quy tắc chặt chẽ, nghiêm túc từ khi đón học sinh, vận hành xe trên đường, tại trường và khi đưa các cháu về nhà. Không chỉ lái xe an toàn, tài xế còn phải kiểm tra xe trước và sau hành trình để đảm bảo xe tốt, không có học sinh bị bỏ quên. Hơn nữa, lái xe đưa đón học sinh cũng cần các kỹ năng: Giao tiếp, cứu nạn phải thật tốt, thật chuyên nghiệp. Còn học sinh phải được dạy cách tự bảo vệ mình, cách ứng phó cơ bản với các sự cố có thể xảy ra trên đường, trên xe.