Thất thoát thuế hàng nghìn tỷ đồng
Ở Việt Nam, lượng rượu, bia phi chính thức nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước là vấn đề nhức nhối, đau đầu các nhà quản lý, gây nên những nguy cơ khó lường cho sức khỏe người dân.
Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương) Nguyễn Đức Lê cho biết, hiện 63% lượng rượu tiêu thụ ở Việt Nam (chủ yếu là rượu thủ công do dân tự nấu, rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ) vẫn chưa được quản lý. Tình trạng này không những gây lo ngại về sức khỏe người sử dụng mà còn gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến DN sản xuất, kinh doanh chân chính, tạo gánh nặng cho các cơ quan giám sát thực thi pháp luật.
Còn theo số liệu khảo sát của Tiểu ban Rượu vang và rượu mạnh, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), xu hướng tiêu thụ đồ uống có cồn ngày càng cao, 8,3% lít cồn/đầu người ở Việt Nam và tập trung vào người trẻ. Trong khi đó, 63% lượng đồ uống có cồn trên thị trường Việt Nam là bất hợp pháp, bao gồm cả những sản phẩm rượu nấu tại nhà, như rượu quê không xác định chất lượng, rượu nhập lậu.
Đi cùng với con số này, ngân sách Nhà nước đang thất thu tới 63% trong nhóm hàng hóa này. Một số liệu khác của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương còn cho thấy, trên thị trường có khoảng trên 70% rượu do dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước. Tổn thất về thuế đối với riêng rượu thủ công gây ra vào khoảng 751,582 triệu USD, chiếm 29% tổng tổn thất về thuế từ khu vực phi chính thức (rượu thủ công, rượu nhập lậu, rượu giả…).
Những bất cập nêu trên được Tổng cục Thuế chỉ rõ là do công tác phối hợp giữa các cấp ngành địa phương với cơ quan thuế trong việc rà soát thực tế hoạt động sản xuất, quản lý cấp phép để xác định tổ chức, cá nhân thuộc diện quản lý sử dụng tem chưa được chặt chẽ, thường xuyên.
Trong năm 2023, số vụ xử lý vi phạm liên quan đến rượu, bia là 102 vụ, số tiền xử phạt là 1,408 tỷ đồng. Trong đó, rượu là 11.912 lít, bia là 14.226 lon, chai. Trong nửa đầu năm 2024, mặt hàng rượu xử lý 153 vụ, số tiền xử phạt khoảng 1,5 tỷ đồng; số lượng tang vật là 18,671 chau và 14.683 lít. Mặt hàng bia xử lý 38 vụ, số tiền xử phạt 587 triệu đồng, số lượng tang vật thu được là 16.239 lon. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Lê, đây thực sự là con số rất nhỏ so với thực tế.
Theo Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương) Nguyễn Đức Lê, nguyên nhân chính gây ra tình trạng bia, rượu nhập lậu là sự chênh lệch lớn chi phí giữa rượu bia hợp pháp và bất hợp pháp. Thuế cao, chi phí tuân thủ… dẫn đến sự chênh lệch giá quá cao giữa sản phẩm hợp pháp và bất hợp pháp. Mặt khác, là do thu nhập thấp, nhận thức kém, thông tin không rõ ràng, bị hấp dẫn do quảng cáo, xu hướng sính hàng ngoại xách tay… đã tạo ra lực cầu đối với rượu bia nhập lậu.
Trong khi đó, khung pháp lý đối với rượu, bia hợp pháp còn nhiều bất cập. Các hạn chế về cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, quảng cáo, tiếp thị, thuế cao, nhiều chi phí tuân thủ các quy định quản lý liên quan. Thực thi pháp luật còn chưa hiệu quả. Lực lượng kiểm tra giám sát còn mỏng, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn chưa tương xứng. Chi phí giám định cao, thời gian giám định dài nên định hướng đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến chất lượng rượu bia.
Kiểm soát chặt rượu, bia phi chính thức
Thời gian qua, chính sách quản lý đối với ngành sản xuất bia, rượu đã có nhiều sửa đổi. Nhằm tránh lạm dụng bia, rượu, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành quy định thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với rượu từ 20 độ trở lên là 65%; rượu dưới 20 độ là 35%; bia là 65%. Sau 2 năm triển khai, Tổng cục Thuế cho biết, còn một số hạn chế trong việc quản lý tem, khi có nhiều sản phẩm, nhất là rượu thủ công bày bán công khia, tiêu thụ trên thị trường trong tỉnh, TP, liên tỉnh nhưng không đăng ký, dán tem.
Những bất cập này đến từ việc nhiều hộ nấu rượu thủ công hoặc bán lẻ rượu chủ yếu sử dụng gạo để nấu rượu bán lẻ quanh thôn, xóm, số lượng không đáng kể và chỉ nấu theo kinh nghiệm, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, rất khó yêu cầu các cá nhân này thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính theo quy định về sản xuất, kinh doanh rượu.
Ngoài ra, một số hộ sản xuất rượu thủ công có mục đích kinh doanh muốn được cấp giấy phép nhưng lại không đáp ứng được các điều kiện theo quy định như an toàn thực phẩm công bố hợp quy sản phẩm… Điều này dẫn đến những bất cập trong quản lý, thực thi pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công.
Để hạn chế tình trạng bia, rượu bất hợp pháp lưu thông trên thị trường, ông Nguyễn Đức Lê khuyến nghị, trong thời gian tới, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bày bán, lưu thông trên địa bàn; đẩy mạnh công tác truyền thông; đồng thời quán triệt các cấp ngành, đoàn thể, đơn vị, tổ chức, cơ quan Nhà nước chỉ đạo không sử dụng các sản phẩm không dán theo, không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ theo quy định.
Về phía Chính phủ, cần bổ sung biên chế, kinh phí, phương tiện làm việc, thiết bị chuyên dùng giám định cho các lực lượng chức năng để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả và ngăn gian lận thương mại.
Đối với các DN sản xuất rượu, bia trong nước cần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng cường chất lượng trong sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, sử dụng công nghệ tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm bảo vệ tính minh bạch trong sản xuất, nhập khẩu đồ uống có cồn bảo vệ người tiêu dùng và tránh thất thu thuế.