Công an huyện Ba Vì phối hợp với lực lượng nghiệp vụ Công an TP bắt giữ nhiều đối tượng và phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Hồng |
Có thể nói rằng, tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra trên các địa bàn vẫn là một “vấn nạn” được nói đến rất nhiều lần. Như đánh giá của Bộ Công an, thời gian qua, hoạt động khai thác cát sỏi trái phép xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, một số nơi còn diễn ra công khai, gây bức xúc trong dư luận. Nhìn vào con số thống kê từ đầu năm 2019 đến nay đã phát hiện 659 vụ/426 đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép và tập kết kinh doanh cát trái phép ở 14 địa phương. Hà Nội cũng là một trong những địa phương được nhắc đến là địa phương vẫn còn tình trạng khai thác cát trái phép.Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, một số địa bàn phức tạp về hoạt động khai thác cát trái phép là bởi sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương chưa chặt chẽ. Chưa kể đến một số địa phương còn thờ ơ, buông lỏng của chính quyền địa phương, thiếu trách nhiệm từ người đứng đầu. “Chính quyền đâu, công an đâu mà để bà con tự đứng ra đấu tranh với “cát tặc”? Việc quản lý chưa tốt mới xảy ra tình trạng người dân ở một số địa phương phải đơn độc chống chọi với “cát tặc” như vậy. Có nhiều nguyên nhân cần xử lý, nhưng chung quy vẫn là trách nhiệm người đứng đầu” - đúng như Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh trong một hội nghị tìm nguyên nhân và giải pháp của thực trạng này.Sau chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Hà Nội đã “cụ thể hóa” bằng những giải pháp rõ ràng, trách nhiệm của người đứng đầu được đặc biệt nhấn mạnh. Trong đó, đích thân Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND và Trưởng Công an các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND TP về tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra trên địa bàn, làm thất thoát nguồn tài nguyên, khoáng sản của đất nước, gây bức xúc trong Nhân dân, xã hội.Cũng như bất cứ lĩnh vực, nhiệm vụ nào, khi trách nhiệm của người đứng đầu được nhấn mạnh, được siết chặt, sự buông lỏng, thờ ơ được “triệu tiêu”, hiệu quả quản lý Nhà nước ít nhiều được nâng lên. Và lĩnh vực cụ thể ở đây là khai thác, kinh doanh tài nguyên… cũng không phải là một ngoại lệ. Sẽ không còn chuyện “cát tặc” ầm ầm khai thác, người dân đều biết, đều lên tiếng, nhưng chính quyền lại bỏ qua.Vì vậy, như nhiều ý kiến nhận định, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu vì buông lỏng quản lý sẽ là một thông điệp mới và quyết liệt từ Chính phủ đến TP. Thông điệp ấy rất cần được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, phải xem mọi hành vi trộm cắp tài nguyên, khoáng sản là xâm hại tài sản quốc gia, gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, đe dọa tính mạng của người dân... nên phải mạnh mẽ xử lý để răn đe, ngăn chặn kẻ khác. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ quan dân cử, tổ chức xã hội, báo chí và nhất là người dân cùng tham gia giám sát. Khi có sự giám sát thì sẽ không có chuyện người đứng đầu các địa phương thiếu trách nhiệm hay “nhắm mắt cho qua” trước những vi phạm hiện hữu.