Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Siết trốn thuế kinh doanh online

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều cá nhân kinh doanh online bị rà soát, kiểm tra việc kê khai và truy thu nộp thuế. Đây là động thái cho thấy sự quyết liệt của cơ quan thuế trong việc quản lý hoạt động kinh doanh online, bảo đảm công bằng cho tất cả các DN và hộ kinh doanh.

Sốt sắng tra cứu nợ thuế

Thời gian gần đây, việc truy thu thuế đối với các chủ shop kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Tiki, Lazada… đang được triển khai quyết liệt. Đặc biệt, là danh sách dài những người nợ thuế bị công khai trên truyền thông và cấm xuất cảnh. Điều này, đã làm cho cộng đồng kinh doanh online giật mình, lo lắng về làn sóng truy thu thuế kinh doanh online.

Siết chặt quản lý thuế đối với người kinh doanh online. Ảnh: Trần Dũng
Siết chặt quản lý thuế đối với người kinh doanh online. Ảnh: Trần Dũng

Trên khắp các diễn đàn về thuế, hay các hội nhóm gồm những người kinh doanh online đang rôm rả xung quanh câu chuyện truy thu thuế kinh doanh online. Rất nhiều trường hợp tá hỏa vào chia sẻ câu chuyện của bản thân, khi bất ngờ nhận thông báo truy thu thuế với số tiền nộp phạt không hề nhỏ.

Trong đó, chia sẻ được quan tâm nhất trong giới kinh doanh online thời gian vừa qua đó là trường hợp một cá nhân làm Affiliate marketing cho Shopee và được trả thù lao 20 tỷ đồng, Shopee khấu trừ thuế tại nguồn 10%, tức 2 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các chi phí nhân sự, thuê thiết bị, công cụ để tạo nội dung, phần tiền ròng mà cá nhân này cầm về là 1,8 tỷ đồng. Câu chuyện trở nên phức tạp hơn, khi cá nhân này thực hiện quyết toán thuế mới tá hỏa phát hiện đang nợ thuế 5,1 tỷ đồng do chịu mức thuế thu nhập cá nhân lũy tiến ở mức 35%.

Việc rà soát kê khai, nộp thuế của các cá nhân bán hàng online được ngành thuế đưa ra trong bối cảnh tăng quản lý với thương mại điện tử, từ giao dịch trên các sàn kinh doanh trực tuyến, livestream. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, cả nước có 3,1 triệu hộ, cá nhân kinh doanh.

Tuy nhiên, nhiều người bán online chưa đăng ký, kê khai và nộp thuế. Cơ quan thuế nhiều lần cho biết sẽ xử lý các tổ chức, cá nhân có thu nhập từ thương mại điện tử nhưng không khai, đăng ký hay nộp thuế.

Gần 1 tháng nay, chị Phạm Thị Kiều Trang (quận Đống Đa) - chuyên kinh doanh thời trang online liên tục tìm kiếm những thông tin liên quan đến việc làm hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân. Được biết, chị đã kinh doanh online hơn 3 năm nay, nhưng chị chưa tìm hiểu để đóng bất kỳ khoản thuế nào.

Chị Trang thừa nhận bản thân rất lơ mơ về nghĩa vụ đóng thuế với người bán hàng online. Chỉ mới đây, qua các phương tiện truyền thông đưa tin về việc truy thu thuế và cấm xuất cảnh người nợ thuế, chị Trang mới sốt sắng tra cứu nghĩa vụ đóng thuế của cá nhân.

“Tôi đang rất lo lắng không biết mình có phải nộp khoản thuế nào không và nếu đã quá hạn thì việc truy thu được quy định ra sao?” - chị Trang lo lắng.

Chia sẻ về quy định nộp thuế đối với người kinh doanh online, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo quy định, bán hàng online là kinh doanh thu lợi nhuận qua nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok hoặc sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki…

Người bán có thể là cá nhân, hộ kinh doanh hoặc DN. Họ phải đăng ký với cơ quan thuế trong vòng 10 ngày kể từ khi bắt đầu kinh doanh, theo Luật quản lý thuế 2019.

Theo đó, tất cả các cá nhân kinh doanh online có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên đều có nghĩa vụ nộp thuế. Việc không thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ dẫn đến các chế tài xử phạt gồm: phạt chậm nộp thuế, truy thu thuế và tiền chậm nộp; nặng hơn, nếu số tiền trốn thuế trên 50 triệu đồng, chủ shop có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chính vì thế, các cá nhân kinh doanh online cần nắm rõ các quy định về thuế để tránh vi phạm pháp luật và tránh bị xử lý hành chính hoặc hình phạt về vấn đề thuế. Để giải quyết những mối nguy tiềm ẩn trong việc truy thu thuế trên các sàn thương mại điện tử, chủ shop cần thành lập hộ kinh doanh và khai báo thuế kinh doanh online theo quy định của pháp luật.

Tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu

 

Trong bối cảnh kinh doanh trực tuyến phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc hiểu biết và tuân thủ các quy định về thuế không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là yếu tố then chốt để các DN duy trì hoạt động ổn định và phát triển bền vững.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Thực tế, chỉ sau những “trát phạt" từ cơ quan thuế, nhiều cá nhân kinh doanh online mới giật mình thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình. Đây là động thái cho thấy sự quyết liệt của cơ quan thuế trong việc quản lý hoạt động kinh doanh online, bảo đảm công bằng cho tất cả các DN và hộ kinh doanh. Cơ quan thuế thực hiện điều này nhằm mục đích ngăn chặn sự lạm dụng và tăng cường tính minh bạch trong quá trình thu thuế.

Số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất ghi nhận kết quả thu thuế khả quan từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Cụ thể, năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng, tương đương 130,57 tỷ USD, với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng. Năm 2023 doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng, tương ứng 46,28 tỷ USD, với số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng. Riêng 5 tháng năm 2024, khoản thu của lĩnh vực này là hơn 50.000 tỷ đồng.

Mặc dù ngành thuế đã vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp, tuy nhiên, việc thất thu thuế đối với kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử vẫn rất cao. Bởi việc quản lý kinh doanh bán hàng online này rất phức tạp do tính mới và phổ biến của nó.

Đặc biệt, thời gian gần đây, xuất hiện những phiên livestream có doanh thu hàng chục, tới hàng trăm tỷ đồng. Nhiều mặt hàng bán trong phiên livestream có giá thấp hơn nhiều so với giá bán tại đại lý, cửa hàng, nên thu hút lượng khách hàng lớn trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn như TikTok, Shopee… Từ đó, cũng đặt nhiều dấu hỏi về việc thu thuế đối với hình thức kinh doanh này.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, để định danh, xác thực cá nhân, tổ chức nhằm kiểm soát gian lận, trốn thuế, ngành tài chính được giao xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu quản lý thuế với các bộ, ngành khác như: Công an, Ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước tăng kiểm tra, giám sát giao dịch thanh toán điện tử, hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử. Các tổ chức tín dụng, cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được yêu cầu hỗ trợ quản lý thuế bằng việc cung cấp thông tin của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân có thu nhập từ các nền tảng xuyên biên giới… Cơ sở dữ liệu sẽ giúp cơ quan thuế địa phương rà soát đối tượng quản lý thuế, tuyên truyền người nộp thuế kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế.

Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho biết, Nghị định số 126 quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý Thuế là hành lang pháp lý về quản lý thuế đối với thương mại điện tử. Điều quan trọng là cơ quan chức năng phối hợp thực hiện như thế nào. Trong đó, có việc cơ quan thuế phối hợp với ngân hàng để kiểm soát, xác định được giao dịch của người bán hàng để thu hoặc thu truy thu thuế.

Thực tế, không phải giao dịch nào cũng thanh toán qua ngân hàng, mà còn có không ít trường hợp thanh toán bằng tiền mặt cho đơn vị chuyển phát, shipper… Đây là khoảng trống mà chúng ta chưa kiểm soát tốt.

“Cần có cơ chế, quy định trong phối hợp cung cấp thông tin giữa các đơn vị trung gian vận chuyển, giao nhận hàng hóa với cơ quan thuế. Từ đó, cơ quan thuế có thể kiểm soát được việc mua, bán hàng qua livestream trả tiền mặt để thu thuế” - chuyên gia Nguyễn Văn Được khuyến nghị.

 

Kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các Bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu thương mại điện tử, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng… để đối chiếu một cách nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, yêu cầu thanh tra, kiểm tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế; áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc