Giảm giá "sốc"
Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại một số website như Pico, HC, FTP Shop… cho thấy, những siêu thị này đang triển khai chương trình khuyến mại, giảm giá sâu cho hầu hết mặt hàng điện máy, điện tử.
Cụ thể, hệ thống siêu thị FPT Shop tổ chức chương trình giảm giá “Vượt qua mùa dịch, giảm kịch sàn”, qua đó giảm giá 40 - 50% cho điện thoại hệ điều hành android; điện thoại Apple giảm giá 20%, laptop giảm giá 10%, các loại phụ kiện khác giảm giá trên 50%. Tương tự, hệ thống siêu thị Thế Giới Di Động cũng giảm giá đến 22% cho hầu hết các sản phẩm điện thoại, phụ kiện, đồng hồ. Riêng đối tượng học sinh, sinh viên khi mua laptop còn được giảm giá theo điểm thi với mức giảm lên đến 3 triệu đồng/sản phẩm.
Hệ thống siêu thị Media Mart, Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim… cũng đang tổ chức chương trình giảm giá cho tất cả mặt hàng điện máy, điện thoại. Cụ thể, mặt hàng Smart Tivi 4K thương hiệu Sony, TCL, LG, Sharp được giảm giá từ 18-24%; các mặt hàng tủ lạnh, máy giặt, điều hòa không khí nhãn hiệu TCL, LG, Electrolux, Hitachi… giảm giá từ 15-44%. Ngay cả mặt hàng gia dụng như nồi cơm điện, bình đun nước, máy rửa bát… cũng có mức giảm giá lên đến 48%, điện thoại smartphone giảm giá 39%. Đối với các sản phẩm laptop thương hiệu Dell, Lenovo, Acer cũng có mức giảm giá đến 7 triệu đồng/sản phẩm, đồng thời tặng thêm ba lô đựng máy.
Cùng với việc giảm giá sâu, các siêu thị còn tăng thời gian bảo hành lên 1,5 năm thay vì 1 năm, tăng thời gian trả góp đến 24 tháng thay vì 6 - 12 tháng như trước đây… Nhìn chung, hiện sản phẩm tivi giảm giá từ 30 - 50%, máy giặt 30%, máy điều hòa không khí giảm 15%, tủ lạnh từ 10 - 30%, thiết bị âm thanh giảm 20%, máy ảnh giảm 35 - 41%...
Doanh thu vẫn sụt giảm
Mặc dù giảm giá sốc nhưng lượng khách truy cập và mua hàng vẫn không cao khiến các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này đối mặt với nguy cơ phá sản.
Giám đốc Marketing siêu thị điện máy Pico Nguyễn Quang Đức chia sẻ, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Từ đầu tháng 5 đến nay, sức tiêu thụ sản phẩm điện máy rất chậm. Đặc biệt, khi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ chủ lực phải giãn cách xã hội, hệ thống siêu thị điện máy tạm dừng hoạt động đã khiến lượng hàng tồn kho tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, với số lượng lên đến hàng triệu sản phẩm.
Đồng tình với ý kiến này, đại diện siêu thị điện máy Media Mart Nguyễn Đăng Quân cho biết, tình trạng chung của các doanh nghiệp kinh doanh điện máy hiện nay là dừng hoạt động nhiều siêu thị, doanh số bán giảm, hàng tồn kho tăng cao nhưng vẫn phải gánh chi phí thuê mặt bằng, nên dễ lâm vào cảnh kinh doanh thua lỗ.
Công ty CP đầu tư Thế Giới Di Động vừa công bố doanh thu tháng 7 đạt xấp xỉ 9.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 231 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động Đoàn Văn Hiểu Em cho biết, từ cuối tháng 7 đến nay, đơn vị đã tạm đóng cửa gần 2.000 cửa hàng điện thoại, điện máy, tương đương 70% tổng số điểm bán trên toàn quốc.
“Phần lớn cửa hàng đang tạm đóng cửa, hạn chế hoạt động để phòng dịch Covid-19, mặc dù công ty tăng cường bán hàng online nhưng doanh thu theo hình thức kinh doanh này trong tháng 7 chỉ đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, giảm 17% so với tháng 6, nguyên nhân là tại một số địa phương, hoạt động giao hàng bị siết chặt”- ông Hiểu Em thông tin.
Trước hoạt động kinh doanh gặp khó do Covid-19, từ nay đến cuối năm, các siêu thị điện máy chỉ mong bán hàng hòa vốn. Để làm được điều này, doanh nghiệp điện máy sẽ cắt giảm chi phí, giảm lao động, đóng cửa những điểm bán hàng không hiệu quả, đẩy mạnh kênh bán hàng online và đưa ra những chương trình giảm giá “sốc” để tiêu thụ hàng tồn kho.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, các siêu thị điện máy muốn thoát khỏi thua lỗ ngoài việc cắt giảm chi phí không cần thiết cũng không nên quá chú trọng đầu tư khai thác các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh bởi những thị trường này đã bão hòa, khó phát triển. Các nhà bán lẻ nên tập trung khai thác ở các thành phố nhỏ và thị trường nông thôn, bởi người tiêu dùng ở đây bắt đầu mua sắm điện máy nhiều hơn trước.
Không phải dịch Covid-19 mới đẩy doanh nghiệp kinh doanh điện máy lỗ vốn, mà hiện tượng thu hẹp kinh doanh đã manh nha từ 3 - 4 năm nay, khi doanh nghiệp không lường hết diễn biến thị trường đã tập trung phát triển “nóng” trong một thời gian ngắn, điều này khiến kinh doanh thua lỗ là khó tránh khỏi. Việc Thế Giới Di Động mua lại 34 siêu thị điện máy Trần Anh, Topcare đóng cửa 6 siêu thị điện máy, Việt Long cũng đóng cửa sau 11 năm hoạt động là minh chứng rõ nét. Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú |