Lạc vào hoa viên
Nằm bên đỉnh Sơn Bạc Mây, xã Sin Suối Hồ là địa phương giáp biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh Lai Châu. Dù vậy, nhờ được thụ hưởng chính sách đầu tư từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của xã Sin Suối Hồ từng bước được nâng cấp đồng bộ. Năm 2015, địa phương vùng biên đã về đích nông thôn mới.
Ngày chúng tôi đến thăm, hai bên đường, những cánh đồng ruộng bậc thang đẹp tuyệt đang độ thu hoạch. Con đường về bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ) được cứng hóa chạy qua những nếp nhà nhỏ xinh. Những lối nhỏ dẫn đến các hộ dân trong bản đều được dọn dẹp sạch sẽ, phong quang. Những chậu hoa địa lan được trồng dọc lối đi lên cao dần, tô điểm cho bản làng bên đỉnh Sơn Bạc Mây.
Trưởng bản Sin Suối Hồ Vàng A Chỉnh giới thiệu về mô hình homestay đang được đồng bào dân tộc phát triển mạnh mẽ |
Trưởng bản Sin Suối Hồ Vàng A Chỉnh cho biết, trong bản, người dân không hút thuốc, không chơi cờ bạc, không uống rượu, không vứt rác bừa bãi. Từ năm 2015, bản cũng không còn người nghiện hút. Cũng bởi vậy mà nơi đây được nhiều người đặt cho tên gọi là bản “5 không”. “Người trong bản bảo ban nhau giữ gìn vệ sinh môi trường, tránh xa tệ nạn; cùng làm dịch vụ du lịch…” - ông Vàng A Chỉnh nói.
Đa dạng sinh kế
Xã Sin Suối Hồ là một trong số nhiều địa phương đầu tiên tại tỉnh Lai Châu được hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ thành quả bước đầu của chủ trương đúng đắn, địa phương đã tập trung phát triển mô hình kinh tế mới, phù hợp với tiềm năng, lợi thế. Trong đó, du lịch cộng đồng đang mang lại những hiệu quả rất tích cực.
Hộ anh Sùng A Phùa (ở bản Sin Suối Hồ) hiện trồng hơn 400 gốc hoa địa lan. Hiện, mỗi năm gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng nhờ loại cây này. Điều đáng nói, người dân nơi đây gần như không phải mang hoa đi bán dưới xuôi. Đường giao thông được nâng cấp từ chương trình nông thôn mới giúp việc đi lại thuận lợi. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, những chuyến xe lại nườm nượp đổ về bản để mua hoa mang đi tiêu thụ khắp các tỉnh, TP miền xuôi.
Không chỉ hộ anh Phùa, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong bản cũng được hưởng lợi từ sự phát triển tương đối nhanh của mô hình du lịch cộng đồng trên cơ sở thành quả của xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng homestay, trồng địa lan, phát triển các dịch vụ du lịch.
Đến nay, ngày càng nhiều hộ đồng bào nơi đây có thêm nguồn thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tỷ lệ hộ nghèo tại bản Sin Suối Hồ liên tục giảm qua các năm, hiện chỉ còn khoảng 6,6%. Qua đó, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập và giảm nghèo bền vững trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Chuyện “những người mở đường”
Đổi thay ở bản Sin Suối Hồ nói riêng, những bản làng vùng đồng bào dân tộc của tỉnh Lai Châu nói chung có được bên cạnh chủ trương phát triển đúng đắn còn phải kể tới sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Đặc biệt là vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ thôn bản.
Ở bản Sin Suối Hồ, nhắc đến ông Vàng A Chỉnh, ai cũng kính trọng, nể phục. Ông Chỉnh được đồng bào tín nhiệm bầu là trưởng bản suốt 12 năm qua. Không chỉ vậy, người đàn ông 44 tuổi này còn là người tiên phong đưa mô hình du lịch cộng đồng đến với đồng bào Mông nơi đây.
“Trước đây trong bản thường có cờ bạc, trộm cắp. Nhiều người trong bản bị nghiện ma tuý. Nay thì bản khác rồi…” - ông Chỉnh phấn khởi nói. Từ những năm 1995, ông Chỉnh và một số người dân trong bản đã đi đầu trong xây dựng đời sống mới. Gia đình ông tự làm đẹp gian bếp nhà mình, với tâm niệm “nhà mình đẹp thì bản làng đẹp”. Rồi từ đó, ông cùng nhiều người khác tiếp tục kiên trì đi tới từng ngôi nhà trong bản để tuyên truyền, vận động người dân cùng làm theo. Hộ này làm xong, lại giúp đỡ hộ khác chỉnh trang nhà cửa, vườn tược.
Cùng với nhà cửa, những tuyến đường cũng được chỉnh trang rộng đẹp, sạch sẽ. “Ngày mới đưa du lịch về bản, có hộ khi được vận động đóng góp để làm đường đã kịch liệt phản đối, nói rằng đi đường đất bao đời nay quen rồi, tự dưng phải làm đường bê tông để làm gì” - ông Chỉnh kể lại. Thay đổi tư duy của đồng bào là điều khó nhất.
Theo Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ Chẻo Quẩy Hòa, cảnh quan môi trường được nâng cấp, biến bản Sin Suối Hồ trở thành điểm đến được nhiều du khách lựa chọn trong hành trình khám phá mảnh đất địa đầu Tây Bắc trong vài năm trở lại đây. Từ 1 - 2 hộ ban đầu, đến nay cả bản Sin Suối Hồ có hơn 20 hộ làm homestay. Người dân nơi đây có thêm nguồn thu. Từ đó, càng hăng say làm đẹp bản làng để thu hút nhiều hơn du khách đến với Sin Suối Hồ.
Ông Chẻo Quẩy Hòa nhấn mạnh, Trưởng bản Vàng A Chỉnh hay rất nhiều những cán bộ cơ sở tại các bản làng vùng dân tộc của tỉnh Lai Châu chính là những người tiên phong trong phát triển du lịch cộng đồng. Quyết tâm của những “người mở đường” đã góp phần thay đổi thói quen trong nếp nghĩ, nếp sống và ứng xử của cộng đồng các dân tộc. Từ đó, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng tại miền biên.
“Nhờ nguồn lực từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng của xã Sin Suối Hồ nói riêng, các địa phương khác trên địa bàn huyện Phong Thổ nói chung đã được nâng cấp ngày một đồng bộ. Giao thông thuận lợi. Điện lưới được cung cấp đầy đủ phục vụ đời sống của người dân. Tại các bản làng đều có nhà văn hoá, điểm sinh hoạt cộng đồng… Qua đó, tạo tiền đề để địa phương phát triển du lịch cộng đồng, tạo thêm nguồn thu, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc…”. Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Trần Bảo Trung |