Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Singapore, Malaysia thúc đẩy thành lập đặc khu kinh tế chung

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đặc khu kinh tế mang tên Johor-Singapore được xem là tiền đề quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai quốc gia từng là đối thủ trong quá khứ.

Vào tháng 1/2024, Malaysia và Singapore đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) thành lập Đặc khu kinh tế Johor- Singapore (JS-SEZ). Đây được xem là bước đột phá trong hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia láng giềng. JS-SEZ nhằm mục đích tăng cường hội nhập kinh tế thông qua việc di chuyển không cần hộ chiếu và thúc đẩy thông quan hàng hóa tại biên giới. Singapore sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp cận đất đai rộng lớn và lao động giá rẻ từ Johor, trong khi Malaysia kỳ vọng đặc khu này sẽ thu hút đầu tư và tạo ra 100.000 việc làm mới, đóng góp 26 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế trong sáu năm tới.

Malaysia ban đầu đặt mục tiêu hoàn tất thỏa thuận thành lập đặc khu kinh tế vào tháng 9/2024. Tuy nhiên, theo các phương tiện truyền thông Singapore, khó khăn đã ập đến khiến các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc, chẳng hạn như: những bất đồng đối với việc đóng góp vào quỹ hỗ trợ cho các công ty muốn mở rộng hoạt động sang Johor và các quy định liên quan đến việc di chuyển của lao động lành nghề.

Đặc khu kinh tế Johor- Singapore được xem là bước đột phá quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Singapore và Malaysia. Ảnh: Suhaimi Abdullah
Đặc khu kinh tế Johor- Singapore được xem là bước đột phá quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Singapore và Malaysia. Ảnh: Suhaimi Abdullah

Cả hai quốc gia hiện đang nỗ lực giải quyết những vấn đề này, với kỳ vọng hoàn tất thỏa thuận vào tháng 12/2024 trong một cuộc họp cấp cao giữa các nhà lãnh đạo của họ. Việc hoàn tất các điều khoản này sẽ rất cần thiết để giải phóng toàn bộ tiềm năng kinh tế của SEZ cũng như thúc đẩy việc hợp tác xuyên biên giới.

JS-SEZ được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho hai nền kinh tế, tuy nhiên việc tối đa hóa tiềm năng của đặc khu này còn phụ thuộc vào sự phát triển của hệ thống giao thông. Hiện tại, tuyến đường sắt RTS nhanh chóng được xây dựng để kết nối Singapore và Johor Bahru. Hệ thống này, dự kiến ​​hoàn thành vào cuối năm 2026 , có thể vận chuyển 10.000 hành khách mỗi giờ, rút ​​ngắn thời gian chuyển từ hơn một giờ xuống chỉ còn vài phút.

Hasan Jafri, nhà phân tích chính sách tại Singapore, cho biết: “RTS sẽ là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của JS-SEZ, bởi biên giới Johor- Singapore là một trong nhưng nơi có lưu lượng giao thông cao nhất thế giới. Hai tuyến đường bộ hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu di chuyển tăng cao.”

Hiện nay, có hơn 300.000 người Malaysia đi làm hàng ngày ở Singapore phải chịu cảnh tắc nghẽn cũng như phải mất hàng tiếng đồng hồ để thông quan do thủ tục hải quan phức tạp.

Trong bối cảnh Singapore và Johor tăng cường hợp tác kinh tế, nhiều người dân Singapore đã lựa chọn chuyển đến Johor Bahru để hưởng lợi từ chi phí sinh hoạt thấp hơn và tận hưởng không gian sống thoải mái. Một số người, như Intan Syuhada, giám đốc tại Messe Berlin Châu Á-Thái Bình Dương, dù đi làm tại Singapore vẫn quyết định chọn sống tại Johor.

Theo báo cáo từ Mercer, Singapore hiện là thành phố đắt đỏ thứ hai trên thế giới dành cho lao động quốc tế, trong khi Johor Bahru chỉ xếp thứ 214 trong danh sách. Tại Singapore, các mặt hàng như ô tô, dầu, điện và nước có chi phí cao hơn đáng kể. Điều này khiến nhiều người Singapore đến Malaysia để mua sắm và tận hưởng các dịch vụ với giá rẻ hơn như sửa xe, cắt tóc.

Quan hệ kinh tế giữa Singapore và Malaysia từng trở nên căng thẳng trong quá khứ. Từng xem Singapore là đối thủ cạnh tranh, Malaysia nỗ lực phát triển các lĩnh vực quan trọng để không phụ thuộc vào nước láng giềng. Tuy nhiên, theo Hasan Jafri, động lực giờ đây đã thay đổi.

“Singapore đã vượt qua Malaysia về kinh tế, trong khi Malaysia vẫn đang mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình. Để tiếp tục tiến lên, Malaysia cần hợp tác chặt chẽ với Singapore” – ông cho biết.

Tuy nhiên, việc vận hành JS-SEZ cũng có thể khiến hai bên gặp không ít rủi ro. Làn sóng người di chuyển đến Johor ngày càng tăng có thể khiến doanh thu bán lẻ tại Singapore giảm từ 3-4%. Bên cạnh đó, sự gia tăng du khách và dòng người di cư từ Singapore khiến cư dân Johor lo ngại về sự thay đổi môi trường sống.

Sharon Kuok, một người dân Johor Bahru từng sống tại Singapore, chia sẻ: “Tôi lo ngại nếu Johor Bahru trở nên giống Singapore, vì điều đó có nghĩa là chi phí sinh hoạt sẽ tiếp tục tăng cao .” Bà nhấn mạnh rằng Johor cần duy trì bản sắc riêng.

Với những dự án quan trọng như RTS và JS-SEZ, Johor và Singapore đang hướng đến mối quan hệ hơp tác chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển sự phát triển bền vững, hai nước cần tìm ra giải pháp cân bằng giữa lợi ích kinh tế và nhu cầu của cộng đồng địa phương.